Nhiễm trùng huyết sau sinh là biến chứng phức tạp của tình trạng nhiễm, xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự viêm nhiễm của 1 khu vực bất kỳ ở vùng kín. Bệnh xảy ra do vi khuẩn, virus hoặc nấm giải phóng các hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm. Những phản ứng này đã tạo ra hàng loạt các thay đổi trong cơ thể, gây tổn thương các cơ quan: gan, thận… khiến cơ thể suy yếu nhanh. Đây cũng là hình thái nặng nhất của nhiễm trùng hậu sản.
Các biến chứng của bệnh có thể kể đến như suy thận cơ năng, viêm thận kẽ… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sản phụ bị nhiễm trùng có nguy cơ tử vong cao.
Có rất nhiều yếu tố gây bệnh nhiễm khuẩn sau sinh như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn Coli… Các loại vi khuẩn này thường xuyên có mặt ở môi trường sống xung quanh ta, khi gặp được điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể các tổn thương ở âm đạo, âm hộ hoặc vùng rau bám ở đáy tử cung để gây ra bệnh.
Một số nguyên nhân chủ yếu gây bệnh nhiễm khuẩn huyết sau sinh
– Vi khuẩn tấn công: sau khi sinh con, vùng kín của sản phụ khá ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập và phát triển. Các loại vi khuẩn dễ xâm nhập là Ecoli, liên cầu khuẩn…
– Hệ miễn dịch kém.
– Môi trường sinh hoặc mổ không đảm bảo.
– Sinh mổ: sản phụ sinh mổ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu sau sinh hơn sản phụ sinh thường.
– Biến chứng sau sinh: sản phụ bị băng huyết sau sinh, thiếu máu, ối vỡ non, chuyển dạ kéo dài… có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu.
Mức độ nhiễm khuẩn hậu sản nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào độc tính của loại vi khuẩn, theo sức khỏe của sản phụ và tính kháng sinh của chúng tùy theo bệnh được phát hiện và điều trị sớm hay muộn.
Những triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn huyết sau sinh
– Sốt.
– Vùng tầng sinh môn, âm hộ phù nề, sưng to. Vết khâu tầng sinh môn có mủ, chậm liền, toác…
– Sản dịch hôi.
– Đau bụng vùng hạ vị, hố chậu 2 bên.
– Viêm phúc mạc toàn bộ và viêm phúc mạc tiểu khung là dấu hiệu cảnh báo khi vi khuẩn từ bộ máy sinh dục xâm nhập vào ổ bụng và tiểu khung. Trường hợp này rất nguy hiểm, cần phải mổ dẫn lưu mủ và nếu không cẩn thận thì rất dễ để lại di chứng sau mổ.
– Dấu hiệu viêm tắc tĩnh mạch tiểu khung làm cho chân bị phù to, đau và nóng. Nếu cục máu đông di chuyển lên tim gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, di chuyển lên não nhồi máu não thì có thể khiến sản phụ tử vong đột ngột. Hình thái này có thể gây tử vong đột ngột.
– Vi khuẩn có thể từ cơ quan sinh dục đi thẳng vào máu gây nhiễm khuẩn máu sau sinh, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Sau khi sinh, tử cung co hồi dần, sản dịch ra ít và nhạt màu dần và hết hẳn sau 2-6 tuần. Tuy nhiên, nếu sau sinh sản phụ có biểu hiện sốt cao, tử cung co hồi chậm và sản dịch ra ít, có biểu hiện bị ứ lại, có mùi hôi, khi ấn vào tử cung thấy đau, vết mổ vết khâu tầng sinh môn phù nề, chậm liền, toác… cần vào viện để thăm khám kịp thời.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết sau sinh như thế nào?
Để phòng tránh nhiễm khuẩn sau sinh hiệu quả thì mỗi sản phụ cần có ý thức giữ vệ sinh trong thời gian mang thai, đặc biệt là những ngày gần đẻ. Không nên tắm hoặc ngâm mình trong ao hồ có nước bẩn. Bên cạnh đó, sản phụ cần lựa chọn địa chỉ y tế uy tín, đáp ứng chất lượng chuyên môn và kỹ thuật.
Việc chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết sau sinh là rất quan trọng vì vậy khi thấy các biểu hiện bất thường kể trên, sản phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời nhằm hạn chế những rủi ro cho sức khoẻ của bản thân.