Trường hợp nặng nhất đang điều trị là bé P.H.T.M. (2 tuổi, trú tại phường Suối Tre, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Theo đó, ngày 13/6, bé M. được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai với bệnh tay chân miệng nặng và được các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu đặt nội khí quản thở máy, điều trị tích cực, sau đó chuyển bé M. đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục điều trị.
Theo ThS.BS Trang, khi khoa tiếp nhận bệnh nhân, tình trạng bệnh tay chân miệng của bé M. có biểu hiện viêm não, viêm cơ tim cấp, được điều trị rất tích cực, lọc máu liên tục ngay trong đêm, theo dõi huyết động xâm lấn liên tục và phối hợp thuốc trợ tim, vận mạch. Hiện bé M. vẫn tiếp tục được lọc máu, thở máy và được điều trị, theo dõi sát sao tại khoa.
“Từ đầu mùa dịch đến nay, tại khoa đã có 5 ca phải thở máy, trong đó có 2 ca nặng phải lọc máu. Trong 5 ca này có một ca đã phân lập là do tác nhân Enterovirus 71 (EV 71) – là chủng virus tay chân miệng gây độc thần kinh nghiêm trọng nhất. Đây là tác nhân thường làm cho bệnh diễn tiếng nặng, gây tổn thương não, tổn thương tim, tổn thương các cơ quan nhiều hơn, rất nguy hiểm” – ThS.BS Trang cho biết thêm.
Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh cho trẻ và giữ vệ sinh tay cho trẻ. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm bệnh, khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng như trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông; sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt, trẻ ngủ bị giật mình… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị kịp thời.
“Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ, trong đó độ 1 có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi thấy con có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa con đi khám để bác sĩ phân loại và phải tái khám hàng ngày để đánh giá khung độ hàng ngày, nếu bé chuyển độ cao hơn bác sĩ sẽ cho nhập viện để theo dõi và điều trị” – ThS.BS Trang nhấn mạnh.