Bị bệnh viêm khớp khoảng 2 năm nay, thông qua lời giới thiệu của người quen, bà Đ.T.T. (trú tại xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã tìm đến cơ sở y tế ở địa phương để tiêm giảm đau khớp gối. Vài ngày sau, tình trạng đau nhức ngày càng tăng, bà được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để điều trị.
Sau khi làm các xét nghiệm tại Khoa Nội thận – Cơ xương khớp, bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn tụ cầu vàng khu vực khớp gối.
Bệnh nhân cho biết: “Tôi tiêm xong họ cũng không băng bịt chỗ tiêm lại. Khi chân sưng, đau, nóng đỏ, tôi có hỏi người tiêm thì họ bảo không sao. Khi đến điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ rút ra 2 lần hơn 40cc dịch ở khớp gối, tôi không nghĩ tình trạng bệnh lại nặng như vậy”.
Không chỉ ghi nhận những ca tai biến sau khi thực hiện thủ thuật tiêm, hút nội khớp không đảm bảo an toàn. Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình còn tiếp nhận những ca biến chứng nặng nề do bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, gout mãn tính, tự sử dụng các loại thuốc bột, viên hoàn không rõ nguồn gốc, thành phần.
Bệnh nhân H.T.T.B. (trú tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) điều trị suy tuyến thượng thận tại Khoa Nội thận – Cơ xương khớp cho biết: “Tôi bị viêm khớp dạng thấp nhưng không theo phác đồ điều trị ở viện mà mua thuốc của lương y và uống được 4 tháng. Lúc đầu thấy đỡ nhưng sau đó ngày càng đau hơn, mặt phù nề, chân teo lại, các khớp đều đau nhức dữ dội. Đến viện thì các bác sĩ nói tình trạng bệnh đã diễn biến phức tạp, ngoài viêm khớp dạng thấp tôi còn bị suy thượng thận, loãng xương, đái tháo đường, giảm thị lực…”.
Mới đây, Khoa Nội thận – Cơ xương khớp tiếp nhận bệnh nhân P.V.V. (trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nhập viện trong tình trạng bàn chân và cẳng chân có hàng trăm vết chích rạch gây sưng tấy, đau nhức, sốt cao.
Bệnh nhân chia sẻ: “Được giới thiệu về một thầy lang điều trị xương khớp bằng cách nặn máu độc, nên tôi có tìm đến để chữa trị. Thầy lang có dùng một vật sắc nhọn giống như mảnh thủy tinh, rạch từng vết 0.5 – 1cm từ vùng đầu gối trở xuống đến hết mu bàn chân, vừa rạch vừa nặn máu ra. Họ nói việc chích máu, thải độc sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố, lưu thông khí huyết, cải thiện bệnh xương khớp. Tuy nhiên, sau khi nặn máu độc khoảng 1 ngày, cẳng chân và khớp gối của tôi đau tăng lên, không thể đi đứng được, vùng chích rạch có dấu hiệu viêm tấy, người thì mệt mỏi, sốt cao”.
Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm tấy lan tỏa phần mềm cẳng bàn chân 2 bên, đợt gout cấp có biến chứng suy thận, tăng men gan, tiên lượng nặng, nguy cơ chuyển nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng cao. Bệnh nhân được điều trị theo hướng dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, thuốc chống viêm, giảm đau, hỗ trợ chức năng gan.
Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã cơ bản ổn định, cẳng chân và bàn chân đỡ sưng đau, hết sốt, hết suy thận, men gan giảm.
Trung bình mỗi năm, Khoa Nội thận – Cơ xương khớp khám ngoại trú khoảng 7.000 bệnh nhân, điều trị nội trú gần 4.000 bệnh nhân, tiếp nhận hàng trăm ca nhập viên do các tai biến, biến chứng liên quan đến cơ xương khớp.
ThS.BS Bùi Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Nội thận – Cơ xương khớp cho biết: Rất nhiều bệnh nhân đến khám tại cơ sở chuyên khoa thì đã vào giai đoạn muộn và bị một số tai biến như nhiễm trùng toàn thân, loãng xương, nhiễm khuẩn hạt tophi, tiểu đường, giảm thị lực, suy tim, suy thận, biến dạng khớp… Đặc biệt những bệnh nhân không nắm được bệnh nền của bản thân, dùng thuốc không theo chỉ định có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa.
Đối với các kỹ thuật như tiêm, hút dịch khớp nếu không được thực hiện trong môi trường vô trùng sẽ gây nhiễm khuẩn ổ khớp, có thể chảy máu nội khớp, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp và loãng xương. Người bệnh cần lưu ý: hút dịch và tiêm khớp phải được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, phải được thực hiện tại phòng tiêm khớp vô khuẩn; phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sau tiêm khớp, tái khám kịp thời để bác sĩ điều chỉnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.