Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, thông thường, các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt bị bỏ qua, dẫn đến các giai đoạn phát triển nặng của bệnh. Điều đó nói rằng, bạn hãy ghi chú lại tất cả các dấu hiệu ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt và đừng nhầm nó với một bệnh lành tính.
Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt
Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu và dễ nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh lành tính khác như: u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn tiết niệu…; hoặc có những triệu chứng không đặc hiệu, có thể gặp ở một số bệnh lý ác tính khác.
Các triệu chứng thường gặp là:
– Đái khó, tia đái nhỏ, đái phải rặn. Nặng hơn có thể bí đái cấp.
– Đái nhiều lần, cảm giác đái không hết nước tiểu.
– Đái không tự chủ, khó nhịn tiểu, hay tiểu són.
Ở giai đoạn muộn khi khối u đã xâm lấn rộng xung quanh hoặc đã di căn xa, có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:
– Đau nhức xương, hay gặp là xương cột sống, xương chậu, xương mu do bệnh di căn.
– Đau tầng sinh môn, đau vùng hậu môn do u xâm lấn.
– Xuất tinh ra máu, đái ra máu.
– Phù nề chi dưới 1 hoặc 2 bên do di căn hạch chậu, hạch bẹn chèn ép.
– Những dấu hiệu toàn thân như gầy sút cân, thiếu máu; hoặc triệu chứng của các cơ quan bị di căn, xâm lấn như thận, gan, phổi, não.
Nguyên nhân gây nên bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Nguyên nhân bệnh ung thư tuyến tiền liệt chưa được xác định rõ ràng nhưng hiện nay có một số yếu tố nguy cơ được chỉ ra như sau:
– Tuổi: Càng lớn tuổi nam giới càng có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh hiếm gặp dưới 40 tuổi, nhưng nguy cơ tăng nhanh từ sau 50 tuổi. Có đến khoảng 60% bệnh phát hiện ở nam giới từ 65 tuổi trở lên.
– Gia đình: Nam giới có cha hoặc anh em trai mắc ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 2 lần. Tiền sử gia đình có liên quan đến đột biến gen đó là Gen BRCA2, một số gen khác như MLH1, MSH2, MSH6 và PMS2
– Chủng tộc: Nhìn chung nam giới châu Á có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn và tỷ lệ này cao nhất ở nhóm nam giới Mỹ gốc Phi.
– Yếu tố khác có thể liên quan đến bệnh ung thư tuyến tiền liệt như chế độ dinh dưỡng nhiều thịt, chất béo, thói quen uống rượu, hút thuốc lá; hay như các bệnh lây qua đường tình dục, viêm tuyến tiền liệt.
Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào
Tầm soát sớm ung thư tuyến tiền liệt nên được tiến hành ở nhóm nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt phương pháp chủ yếu dựa vào thăm khám trực tràng và làm xét nghiệm PSA trong máu: Khi phát hiện nhân cứng và/hoặc chỉ số PSA > 4ng/ml nên được cân nhắc sinh thiết tuyến tiền liệt hoặc theo dõi sát; Khi chỉ số PSA < 10ng/ml thì tính tỷ lệ PSA tự do trên PSA toàn phần có giá trị cao định hướng đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
– Xét nghiệm nồng độ PSA là xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt trong máu. Bình thường chỉ số PSA dưới 4ng/ml, và khi chỉ số này càng tăng cao đi kèm với nó là nguy cơ ung thư cũng tăng dần.
– Chẩn đoán hình ảnh gồm các kỹ thuật như: siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan), xạ hình xương,…để phát hiện u tiền liệt tuyến cũng như đánh giá mức độ xâm lấn, di căn xa của khối u.
– Sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp hay được áp dụng là sinh thiết dưới siêu âm qua trực tràng có độ chính xác và an toàn cao, với số mẫu sinh thiết lý tưởng là 10-12 mẫu trong một lần sinh thiết.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phẫu thuật triệt căn là phương án được áp dụng trong giai đoạn sớm, khối u còn khu trú trong tuyến tiền liệt. Phẫu thuật triệt căn có thể thực hiện qua đường mổ mở hoặc nội soi, hoặc có hỗ trợ của robot. Ngoài phẫu thuật triệt căn, người bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể được chỉ định phẫu thuật để giải phóng chèn ép do khối u.
Xạ trị thường được chỉ định ở người bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tại chỗ, hoặc khi khối u đã xâm lấn xung quanh, di căn hạch vùng.
Điều trị nội tiết: Các tế bào ung thư tuyến tiền liệt rất nhạy cảm với nội tiết tố nam nên bằng cách ngăn chặn sự tác động của hormone testosterone lên khối u sẽ làm giảm sự phát triển của bệnh. Các thuốc nội tiết thường được chỉ định kết hợp sau phẫu thuật, xạ trị hoặc ở những người bệnh giai đoạn muộn.
Điều trị hóa chất thường được chỉ định kết hợp thêm cùng một số thuốc nội tiết ở nhóm người bệnh giai đoạn di căn hoặc tiến triển sau điều trị nội tiết.
Điều trị đích, miễn dịch là phương pháp mới được nghiên cứu và áp dụng gần đây trên những người bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã thất bại với điều trị nội tiết và hóa chất.
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thể trạng, các bệnh lý kèm theo cũng như nhu cầu, mong muốn của người bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị, kết hợp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.