Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giáp như sau phẫu thuật cắt toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp, điều trị iod phóng xạ, do thuốc kháng giáp trạng, suy giáp do suy tuyến yên hoặc do bệnh lý tự miễn…
Hầu hết các trường hợp suy giáp đều sẽ được điều trị bù hormone tuyến giáp tổng hợp (Levothyroxine) với liều lượng khác nhau tùy thuộc vào tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp và các bệnh lý kèm theo của từng người bệnh. Sau đây là các lưu ý khi sử dụng hormone tuyến giáp (Levothyroxine) để có hiệu quả tốt nhất:
– Levothyroxine được hấp thụ tốt nhất khi đói. Các loại thức ăn và các thuốc đặc biệt là cà phê, nước ép bưởi, bột hạt bông, quả óc chó, đậu nành, sữa bò, chất xơ, calci carbonat, sắt, nhôm hydroxit, sucralfat, cholestyramine, colesevelam, raloxifene, orlistat, phosphate, piracetam, furosemide, amiodaron… có thể làm ảnh hưởng tới sự hấp thu hormone tuyến giáp. Chính vì vậy hormone tuyến giáp tổng hợp cần được uống vào buổi sáng sớm trước bữa ăn ít nhất ba mươi phút trước các thuốc và thức ăn trên ít nhất bốn giờ. Cần báo lại cho bác sĩ nếu người bệnh cần sử dụng các loại thuốc khác trong quá trình điều trị suy giáp để được tư vấn.
– Khi đang điều trị Levothyroxine người bệnh cần đi khám lại ngay nếu gặp triệu chứng như hồi hộp trống ngực, run tay chân, gầy sút cân, đại tiện phân lỏng, cảm giác bốc hỏa. Đây là các triệu chứng của việc dư thừa hormone tuyến giáp hay còn gọi là cường giáp. Hoặc khi thấy triệu chứng mệt mỏi, sợ lạnh, lờ đờ chậm chạp, táo bón lại là triệu chứng của tình trạng thiếu hormone tuyến giáp. Trong 2 trường hợp trên người bệnh cần phải báo lại cho bác sĩ điều trị để làm xét nghiệm hormone tuyến giáp và có sự điều chỉnh kịp thời.
Các tác dụng phụ như đau bụng, nôn mửa, tăng men gan, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, phát ban, rụng tóc, tăng men gan, ở trẻ nhỏ có thể gặp lo lắng, mất ngủ, tăng động… Các tác dụng phụ này rất ít gặp nhưng cần được báo lại cho bác sĩ ngay để được tư vấn theo dõi và điều chỉnh thuốc hợp lý.