VTV.vn – Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phối hợp liên chuyên khoa nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho bệnh nhi 21 tháng tuổi.
Bàn tay bị đứt lìa của bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Khai thác bệnh sử từ gia đình được biết, bệnh nhi vô tình cho tay vào máy dập nắp cốc nhựa. Sau tai nạn, mẹ bệnh nhi rút điện máy, nhìn thấy bệnh nhi bị đứt rời bàn tay phải, mỏm cụt cẳng tay phải đang phun máu thành tia.
Mẹ bệnh nhi đã nhanh chóng nắm chặt vào cẳng tay để cầm máu và gọi mọi người đến trợ giúp. Chị bệnh nhi cũng được mẹ hướng dẫn cầm bàn tay bị đứt lìa của bệnh nhi (lúc này vẫn còn đang nằm trong máy dập cốc) cho vào túi nilon trắng, để vào thùng nước đá và đến sơ cứu tại trạm y tế xã.
Tại trạm y tế xã, bệnh nhi đã được băng ép cầm máu mỏm cụt, kiểm tra lại cách bảo quản bàn tay đứt rời và chuyển đến bệnh viện có khả năng điều trị.
Khi đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện đã khởi động quy trình báo động đỏ, Khoa Hồi sức cấp cứu đã thực hiện các bước sơ cứu và hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản nhanh nhất.
Bàn tay sau nối của bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Trong khi đó, Khoa Gây mê hồi sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc mổ và huy động 1 kíp phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, 1 kíp phẫu thuật tạo hình vi phẫu nhiều kinh nghiệm của bệnh viện vào thực hiện ca mổ cấp cứu cho bệnh nhi.
Trong mổ, kíp chấn thương chỉnh hình do TS.BS Đỗ Văn Minh, BSCKII. Hoàng Minh Thắng, ThS.BS Kiều Hữu Thạo thực hiện đặt lại xương khối tụ cốt, cố định bằng kim Kirschner, phục hồi khớp cổ tay; nối toàn bộ gân gấp và gân duỗi bị đứt.
Kíp phẫu thuật tạo hình – vi phẫu do TS.BS Phạm Việt Dung, ThS.BS Vũ Thị Dung, ThS.BS Nguyễn Hợp Nhân thực hiện khâu nối động mạch quay, động mạch trụ, thần kinh giữa, thần kinh trụ và nhánh nông của thần kinh quay dưới kính vi phẫu.
Với sự phối hợp nhịp nhàng của 2 kíp mổ, ca mổ thành công sau 7 giờ đồng hồ. Sau mổ, bệnh nhi được điều trị tích cực kết hợp với phục hồi chức năng và thay băng chăm sóc vết thương. Hậu phẫu diễn biến thuận lợi, bàn tay được nuôi dưỡng tốt, đã có thể cử động nhẹ nhàng các ngón tay. Bệnh nhi sẽ tiếp tục được theo dõi và phục hồi chức năng.
Theo các bác sĩ, do bệnh nhi nhỏ tuổi nên các cấu trúc giải phẫu đều rất nhỏ, tổn thương đứt rời bàn tay tại vị trí khớp cổ tay là nơi có giải phẫu phức tạp (tổn thương nhiều xương nhỏ của khối tụ cốt cổ tay, nhiều gân gấp, nhiều gân duỗi, thần kinh trụ, thần kinh giữa, nhánh nông thần kinh quay, động mạch quay, động mạch trụ), chi thể ngoài tổn thương đứt rời còn có tổn thương bỏng nhiệt ở mặt mu tay.
Tuy nhiên, có một số yếu tố thuận lợi là phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách và thời gian từ khi tai nạn đến khi tới viện tương đối sớm (19h tai nạn – 22h30 đã được mổ).
Qua trường hợp ca bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo: Việc phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự quan tâm, hướng dẫn của gia đình đối với trẻ. Đặc biệt là các gia đình có sử dụng các máy móc chạy bằng điện.
Cùng với đó, việc trang bị kiến thức trong sơ cứu, bảo quản chi thể đứt rời và đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời giúp cho người bệnh tăng cơ hội nối lại chi thể.