Sau khi bị bỏng, bệnh nhân ngâm nước mát và tự thay băng tại nhà, sau 1 tuần không khỏi, tổn thương bỏng tiến triển nặng hơn nên bệnh nhân vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác điều trị.
Khoa Điều trị Bỏng Người lớn tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, chẩn đoán bỏng diện tích 20cm2 độ V các ngón bàn chân trái. Tiền sử bệnh nhân khoẻ mạnh, gia đình khoẻ mạnh.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định thay băng hằng ngày, dùng kháng sinh, cắt lọc hoại tử bàn chân, kiểm tra tổn thương cho thấy do đắp thuốc đông y dẫn tới hoại tử khô quắt lan rộng đến các ngón chân còn lại.
Sau 8 ngày theo dõi, các ngón chân bị hoại tử hết không còn khả năng bảo tồn, nên bác sĩ chỉ định tháo bỏ các ngón bàn chân trái.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã được điều trị tích cực, sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, thay băng, phẫu thuật và chăm sóc vết thương hằng ngày. Quá trình điều trị bệnh nhân này khó khăn và lâu dài.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ đưa ra các khuyến cáo:
– Đắp vào vết thương bỏng hoặc vết thương các loại lá cây hay thuốc nam chưa được kiểm chứng và không đảm bảo vệ sinh là việc làm rất nguy hiểm, có thể gây ra tổn thương hoặc tổn thương nặng hơn. Thậm chí, có trường hợp phải tháo bỏ chi thể ví dụ như trường hợp bệnh nhân B. bị tháo hết các ngón bàn chân trái hoặc bị nặng hơn nữa nhiễm khuẩn huyết dẫn tới tử vong.
– Khi bị tê chân không rõ nguyên nhân thì cần phải đến các cơ sở y tế uy tín để khám và phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tê chân.
– Không sử dụng thuốc đông y để tự chữa bỏng khi không rõ chỉ định cho bệnh lý hiện có. Khi bị bỏng do nhiệt khô cần phải sơ cứu bỏng đúng cách, bệnh nhân cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).
– Khi có bất thường về bệnh bỏng cần dừng ngay tự chữa và đến cơ quan y tế gần nhất để khám và điều trị.