Khi mắt bắt đầu sưng đỏ, đau nhức, bác Đỗ Duy Hiền (trú tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) ra hiệu thuốc để mua thuốc về nhỏ. Nếu như mọi lần, bác chỉ nhỏ khoảng 2-3 ngày mắt sẽ đỡ hoàn toàn nhưng lần này tình trạng bệnh của bác trở nên nặng hơn.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận mắt của bác đã có biểu hiện khô, nguy cơ bị viêm giác mạc do bác dùng thuốc chứa corticoid. Điều này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, khiến bệnh lâu khỏi hơn.
Bác chia sẻ: “Tôi bị đau mắt đỏ 1 tuần nay rồi, trong thời gian bị đau tôi điều trị mua thuốc điều trị tại gia đình. Mắt đã tương đối hoàn thiện rồi nhưng hiện tại nó vẫn còn ngứa mắt, dụi mắt liên tục và mắt rất là mờ”.
Bác sĩ Trần Thị Thắm – Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết: Khi bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám sớm, tỉ lệ biến chứng rất là ít, chỉ có những bệnh nhân tra thuốc không dúng, tự mua thuốc về nhà mới bị biến chứng, họ dùng thuốc từ 10 – 15 ngày đến bệnh viện kiếm tra, lúc này đã có những biểu hiện viêm giác mạc chấm nông rồi.
Hiện tại dịch đau mắt đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp với 108 ổ dịch tại 7/9 huyện, thành phố thị xã. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây, nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân tự ý dùng thuốc sẽ gây giảm thị lực, sẹo giác mạc, nhất là thuốc chứa corticoid sử dụng lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa. Bệnh đau mắt đỏ chưa có vaccine điều trị, vì vậy để phòng biến chứng của bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, cũng như điều trị bệnh.
Bác sĩ Thắm chia sẻ thêm: Khi không may bị lây đau mắt, bệnh nhân tự vệ sinh cá nhân dùng riêng đồ chậu rửa mặt, khăn mặt, đeo khẩu trang, đeo kính râm hạn chế lấy nhiễm ra xung quanh. Khi đã bị bệnh tốt nhất nên đến cơ sở y tế để khám mắt, đặc biệt nên khám tại bác sĩ chuyên khoa..
Bên cạnh khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh, ngành Y tế đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ, tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan và cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.