Thông thường, nhiệt độ cơ thể trẻ, kể cả với trẻ sơ sinh có thể dao động trong khoảng từ 37 độ C đến 37,8 độ C. Thân nhiệt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vận động, thời tiết, quần áo và cả vị trí đo nhiệt độ. Trẻ chỉ thật sự bị sốt khi:
– Nhiệt độ ở miệng > 37,5 độ C.
– Nhiệt độ ở nách > 37,2 độ C.
– Nhiệt độ ở tai > 38 độ C.
– Nhiệt độ đo ở hậu môn > 38 độ C.
Sốt là cơ chế miễn dịch chống lại sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn. Khi cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân như virus hay vi khuẩn, hệ miễn dịch sẽ đưa tín hiệu lên não, điều chỉnh tăng thân nhiệt để ngăn chặn những tác nhân này. Sốt bản chất là một phản ứng có lợi của cơ thể, cha mẹ chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ bị sốt 38,5 độ C trở lên.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc hạ sốt có thể sử dụng phù hợp cho trẻ em, trong đó các thuốc có chứa dược chất Paracetamol là thông dụng và an toàn nhất. Tuy nhiên, không nên tự ý phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ sử dụng vì hiệu quả sẽ không tăng thêm, nhưng lại xuất hiện nhiều tác dụng phụ như kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá, tổn thương gan.
Cha mẹ cần đưa trẻ bị sốt đi khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu sau:
– Trẻ bị sốt khi chưa được 2 tháng tuổi.
– Sốt trên 40 độ C.
– Sốt quá 3 ngày không tìm được nguyên nhân.
– Trẻ quấy khóc không dỗ được hoặc bứt rứt nhiều.
– Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
– Có dấu hiệu cứng cổ bất thường.
– Phát ban trên da.
– Khó thở, co kéo cơ hô hấp.
– Trẻ bỏ ăn, không bú được, không uống nước được.
– Nôn ói, tiểu ra máu, ói ra máu, co giật.
– Trẻ trông rất yếu ớt và suy kiệt.
Thời tiết thay đổi thất thường, trẻ có nguy cơ mắc phải các loại bệnh và dẫn đến sốt. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý triệu chứng trẻ bị sốt để kịp thời xử lý hoặc đưa trẻ đến Bệnh viện khám và điều trị kịp thời.