Qua hỏi bệnh, người bệnh cho biết có dùng thuốc tránh thai đường uống dạng viên phối hợp kéo dài trên 5 năm, ngoài ra không có bệnh lý gì trước đây.
Ngay sau đó, người bệnh được chỉ định làm các cận lâm sàng gồm: Xét nghiệm máu, Siêu âm và Chụp CT cắt lớp 128 dãy mạch máu chi dưới.
Kết quả hình ảnh cho thấy: Huyết khối tĩnh mạch chậu chung, tĩnh mạch chậu trong phải. Huyết khối tĩnh mạch chậu ngoài, tĩnh mạch đùi chung, tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch đùi sâu, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch chày sau trái. Người bệnh có rất nhiều huyết khối ở 2 chi dưới, đặc biệt hầu như huyết khối toàn bộ tĩnh mạch sâu chi dưới trái.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm cho kết quả bình thường, cho phép loại trừ các bệnh lý tăng đông khác như: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lý tim mạch… Các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán: Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới liên quan đến thuốc tránh thai đường uống.
Sau đó, người bệnh được chuyển tới chuyên khoa tim mạch điều trị tiếp, hiện tại bệnh đã thuyên giảm nhiều, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Thuốc tránh thai và các yếu tố nguy cơ khác
Thuốc tránh thai đường uống mang lại hiệu quả tránh thai cao, dễ sử dụng, nhưng cũng có nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là nguy cơ gây huyết khối có thể nguy hiểm đến tính mạng đã được ghi nhận trong y văn.
Ngày 21/12/2016, Cơ quan Quản lý Điều trị Úc (TGA) đã đưa ra cảnh báo nguy cơ huyết khối ở phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai phối hợp dùng đường uống chứa ethinyloestradiol và một progesteron làm tăng đông máu do thuốc gây tăng fibrinogen, yếu tố XII, X, VII, tăng ngưng kết tiểu cầu, giảm chất ức chế đông máu antithrombin.
Nguy cơ huyết khối tăng lên ở các phụ nữ có các yếu tố nguy cơ sau: Trên 35 tuổi; Hút thuốc; Chỉ số khối cơ thể trên 30kg/m2; Có khuynh hướng di truyền hoặc mắc bệnh về huyết khối, bao gồm kháng protein C hoạt động (APC) (như yếu tố V Leiden); Có tiền sử về huyết khối trong gia đình hoặc bản thân; Bất động (ví dụ, sau khi phẫu thuật hoặc suốt chuyến bay đường dài); Có bất kỳ một vài yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây huyết khối…
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, không nên lạm dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài nếu thấy có dấu hiệu phù chi, sưng nề, đau nhức, tím các chi, khó thở tức ngực… nên đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán bệnh lý liên quan, để điều trị kịp thời.