Bệnh nhi N.H.H., (11 tuổi, trú tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) nhập viện cấp cứu trong tình trạng vỡ xương sụn khuỷu tay do tai nạn khi chơi cùng bạn. Mặc dù đã điều trị được ba ngày, vết thương tuy có đỡ nhưng bệnh nhi vẫn rất đau đớn và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Một trường hợp khác là bệnh nhi P.V.C., (trú tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) do đi xe máy đâm vào cột biển báo trên đường nên bị gãy xương đùi, phải phẫu thuật, điều trị dài .
Ghi nhận tại Khoa Ngoại, chấn thương – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, từ đầu mùa hè đến nay, mỗi ngày khoa điều trị cho hàng trăm bệnh nhân và đặc biệt tăng cao trong 2 tuần trở lại đây. Trong đó số lượng bệnh nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm từ 20 đến 30% với các mức độ chấn thương khác nhau. Nhiều nhất là các trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, có trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch hoặc phải điều trị dài ngày, nguy cơ để lại di chứng.
Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Hải – Khoa Ngoại chấn thương cho biết: “Tai nạn thương tích rất dễ xảy ra ở trẻ em vì sự hiếu động, tò mò, nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Từ giữa tháng 5 đến nay, số vụ tai nạn thương tích bắt đầu tăng lên. Chúng tôi khuyến cáo, khi bị tai nạn thương tích, nếu trẻ được phát hiện, sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng cách thì cơ hội phục hồi sẽ cao hơn rất nhiều”.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3.248 người mắc tai nạn thương tích. Trong đó đối tượng là học sinh, sinh viên có 628 trường hợp, chiếm 19.3%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, nhưng sâu xa là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn. Do đó, để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích cho trẻ trong mùa hè, điều cần thiết nhất là người lớn nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc, quản lý, bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho các em. Cần dạy cho trẻ cách nhận biết, phòng tránh các loại tai nạn thường gặp, dễ xảy ra trong cuộc sống để phòng tránh…
Đồng thời, cha mẹ và người lớn cũng cần tìm hiểu để nắm bắt được các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, sơ cứu kịp thời khi trẻ gặp nạn. Đặc biệt, khi trẻ không may bị tai nạn thương tích, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, không nên tự điều trị theo phương pháp dân gian, có thể để lại di chứng đáng tiếc cho các em.