Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, hầu hết những bệnh nhân tới khám tầm soát tai mũi họng thường rất chủ quan với các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến khá lâu nhưng không khỏi thì họ mới chịu tới viện để khám và tầm soát.
“Tôi khàn tiếng, đau họng cũng tháng mấy nên đi tầm soát.” – một bệnh nhân chia sẻ.
Có những trường hợp, dấu hiệu bệnh tưởng như rất đơn giản nhưng sau khi thăm khám và tầm soát, đã phát hiện bị ung thư, làm người bệnh rất bất ngờ.
Ung thư tai mũi họng rất khó nhận biết bởi những dấu hiệu ban đầu rất mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp hoặc các bệnh tai mũi họng thông thường.
ThS, BS. CKII Trần Doãn Trung Cang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: “Bệnh nhân có những triệu chứng, tuy là rất nhỏ, ví dụ như ù tai, chảy máu cam, khàn tiếng hoặc vết thương, vết loét trong miệng là nên đi tầm soát. Hoặc là nam hút thuốc lá nhiều mà bị khàn tiếng hoặc chưa khàn tiếng thì vẫn nên đi nội soi để tầm soát. Một số bệnh nhân có nhiễm HPV hoặc là EBV cũng nên đi tầm soát những ung thư vòm, ung thư thanh quản.”
Sự kết hợp giữa khám lâm sàng với nội soi tai mũi họng hay xét nghiệm sẽ giúp tầm soát phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn sớm. Đây là một biện pháp chẩn đoán an toàn, không xâm lấn, dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian nên phù hợp với nhiều bệnh nhân.
Việc chủ động thăm khám tầm soát sẽ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, giúp các bác sĩ có phương án can thiệp điều trị kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị, giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.