BSCKII Kiều Quốc Hiền – Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho biết, cách đây 3 ngày, người bệnh vào viện trong tình trạng đau khớp háng 2 bên, vận động đi lại vô cùng khó khăn và đau đớn. Điều đáng nói, do người bệnh bị nhiễm HIV nên có tâm lý e ngại đến cơ sở y tế điều trị bệnh khiến tình trạng bệnh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quá trình vận động, thậm chí người bệnh còn phải… bò để di chuyển cơ thể.
Các bác sĩ cho người bệnh tiến hành làm các xét nghiệm và chiếu chụp cần thiết. Kết quả chụp Xquang cho thấy, người bệnh bị hoại tử toàn bộ chỏm xương đùi 2 bên giai đoạn cuối. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho người bệnh.
BSCKII Kiều Quốc Hiền chia sẻ, trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ xác định đây là một ca mổ cho người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên việc phẫu thuật sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn rất nhiều. Cụ thể, khoa Gây mê hồi sức đã chuẩn bị phòng mổ với trang thiết bị phòng hộ cần thiết cho cả các y bác sĩ và người bệnh. Ngoài ra, để giảm và hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, đối với người bệnh này, cần được xét nghiệm kiểm tra tiền phẫu thuật cẩn thận, các chỉ số CD4 và CD8 ổn định bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bệnh nhiệt đới, gây mê hồi sức…
Theo BSCKII Kiều Quốc Hiền, ca mổ diễn ra trong 1 giờ, mặc dù kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho người bệnh này không có sự khác biệt nào, song việc lấy ven rất khó nên các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức đã quyết định lấy ven tĩnh mạch trung ương để tiến hành dùng thuốc trong suốt quá trình mổ và sau mổ. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi ê kíp bác sĩ khoa Gây mê hồi sức phải có chuyên môn cao…
Bên cạnh đó, do người bệnh nhiễm HIV kèm với HCV (viêm gan đặc hiệu) thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao nên việc vô khuẩn trong suốt quá trình mổ và sau mổ càng phải chú trọng và quan tâm nhất, hạn chế nhiễm khuẩn vết mổ sau này của người bệnh.
Theo hồ sơ bệnh án, người bệnh đã tiến hành điều trị ARV cách đây 7 năm. Người bệnh đau khớp háng 2 bên khoảng 6 năm nhưng do tâm lý e ngại nên không đến cơ sở y tế nào điều trị, gần đây, bệnh đau tăng và ảnh hưởng đến việc vận động, đi lại khó khăn… BSCKII Kiều Quốc Hiền phân tích, điều đáng nói ở ca bệnh này là bệnh xảy ra ở người mắc bệnh truyền nhiễm, việc thay khớp háng nhân tạo toàn phần không gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sau mổ nhưng trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác.
Theo nghiên cứu, hoại tử chỏm xương đùi bắt nguồn từ tổn thương mạch máu nuôi xương vùng chỏm xương đùi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh này vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên đối với những người có thói quen hút thuốc lá, bia rượu lâu năm… như người bệnh này thì nguy cơ cao hơn rất nhiều. Bệnh diễn biến âm thầm, ngày càng nặng lên, cuối cùng đau, mất chức năng khớp háng, bắt buộc phải thay khớp.
BSCKII Kiều Quốc Hiền nhấn mạnh, với sự phát triển của y học Việt Nam ngày nay, thay khớp háng nhân tạo không còn là một kỹ thuật quá khó. Các bác sĩ chỉ rạch mở một đường nhỏ có kích thước bằng 1/3 đường rạch cổ điển, sau đó thay khớp háng nhân tạo vào mà không làm tổn thương bất kỳ nhóm cơ nào. Điều này cho phép người bệnh sau mổ có thể ngồi xổm, bắt chéo chân, chạy nhảy nhẹ nhàng…
BSCKII Kiều Quốc Hiền khuyến cáo: Phương pháp thay khớp háng nhân tạo được áp dụng cho người bệnh hoại tử chỏm xương đùi cho kết quả tốt, người bệnh cảm thấy hết triệu chứng đau, đi lại gần như bình thường. Điều quan trọng là người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện phẫu thuật.