Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay các điểm yếu tự nhiên của thành bụng vùng trên nếp bẹn xuống dưới da hoặc xuống vùng bìu. Tình trạng thoát vị bẹn xảy ra khi có sự kết hợp của 2 yếu tố là yếu cơ thành bụng và tăng áp lực bên trong ổ bụng khiến mô liên kết bị tổn hại. Đây là loại thoát vị thường gặp trong thoát vị thành bụng. Bệnh khá phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song phần lớn thường gặp ở nam giới trưởng thành hoặc người cao tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh thoát vị bẹn là gì?
Trên thực tế lâm sàng cho thấy một số nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn như:
– Thoát vị bẹn bẩm sinh (do tồn tại ống phúc tinh mạc trong thời kì bào thai): thông thường, sau khi sinh, ống bẹn của trẻ sẽ phải đóng. Song, ở một số trẻ vì một lý do nào đó mà điều này lại không xảy ra nên các thành phần trong ổ bụng có điều kiện thuận lợi để chui qua ống này và xảy ra thoát vị bẹn bẩm sinh.
– Thoát vị bẹn mắc phải do cơ thành bụng bị yếu: nguyên nhân thường thấy trong trường hợp này là do tuổi già khiến cho cơ thành bụng bị suy yếu. Ngoài ra, vết mổ vùng bẹn, chấn thương, béo phì, suy dinh dưỡng hoặc bệnh mất collagen trong mô… cũng được xem là nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố, nguy cơ có thể làm tăng áp lực ổ bụng trong thời gian dài và dẫn đến bị thoát vị bẹn như:
– Táo bón mạn tính trong nhiều năm hoặc có thể do khối u đại tràng.
– Ho dai dẳng kéo dài trong viêm phế quản mạn tính.
– Có thai hoặc có khối u lớn trong bụng.
– Cổ chướng.
– Đã có tiền sử bị thoát vị bẹn.
Triệu chứng của thoát vị bẹn như thế nào?
Đầu tiên, người bệnh có thể có cảm giác đau tức nặng vùng bẹn. Khối thoát vị này khi phát triển to lên thì vùng bẹn (có thể một hoặc cả hai bên) của người bệnh xuất hiện một khối phồng. Khối phồng này biến mất khi người bệnh nằm xuống và tăng kích thước khi đi lại, khi đứng và khi ho hoặc hắt hơi. Người bệnh có thể có cảm giác bị co kéo hoặc là đau lan xuống bìu, da bìu bị sung đỏ. Trường hợp khối thoát vị có kích thước nhỏ thì rất khó có thể nhận thấy khối phồng ra ở vùng bẹn.
Thoát vị bẹn có xảy ra biến chứng nguy hiểm không?
Ban đầu, người bệnh có thể đẩy khối thoát vị lên ổ bụng một cách dễ dàng, khi khối này không thể đẩy lên được ổ bụng thì có thể bệnh đã biến chứng thành thoát vị bẹn nghẹt hoặt kẹt.
Đây là biến chứng nguy hiểm và phổ biến của thoát vị bẹn: người bệnh sẽ có cảm giác đau đột ngột và dữ đội vùng bẹn, có sốt và mạch nhanh. Khối phồng tại vị trí vùng bẹn chuyển sang màu đỏ, tím hoặc sẫm.
Nếu tình trạng này xảy ra mà không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời thì các tạng trong túi thoát vị (quai ruột, mạc treo) sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh
Trên thực tế lâm sàng cho thấy, việc chẩn đoán thoát vị bẹn gần như chỉ cần khám trực tiếp, bằng cách nhìn hoặc sờ vào khối phồng ở bẹn to lên khi ho và xẹp khi nghỉ ngơi hoặc lấy tay dồn lên.
Trường hợp khối thoát vị có kích thước nhỏ thì bác sĩ sẽ sử dụng đến các kỹ thuật cận lâm sàng để xác định khối thoát vị như:
– Siêu âm: giúp đánh giá vị trí, tính chất và nội dung bên trong của khối thoát vị, đo kích thước, đồng thời đánh giá tình trạng tưới máu nhằm giúp tiên lượng điều trị.
– Chụp Cắt lớp vi tính (CT scanner): đây là phương pháp hiện đại, chẩn đoán chính xác tình trạng khối thoát vị của người bệnh qua những biểu hiện rõ ràng trên màn hình.
Hiện nay, điều trị thoát vị bẹn được chia theo lứa tuổi. Đối với người trưởng thành thì hiện nay có 2 phương pháp điều trị ngoại khoa, đó là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở. Song, phương pháp phẫu thuật nội soi thường được bác sĩ ưu tiên lên hàng đầu bởi ưu điểm là người bệnh được đưa ống nội soi cùng với các dụng cụ kỹ thuật qua đường rạch rất nhỏ ở vùng bụng. Do đó, bảo đảm được tính thẩm mỹ cao cho người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật.
Thoát vị bẹn ở người lớn không nguy hiểm, tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây các biến chứng như hoại tử ruột, mạc treo ruột… Không những thế, thoát vị bẹn còn có thể là yếu tố thuận lợi gây teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh, hoại tử tinh hoàn… khiến nam giới bị vô sinh.
Chính vì thế, khi có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh thoát vị bẹn, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng tình trạng bệnh.