VTV.vn – Nắng nóng kéo dài, tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, số lượng người cao tuổi, trẻ em phải đến khám bệnh, nhập viện có xu hướng tăng cao hơn so với bình thường.
Nhiều người cao tuổi chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Gia tăng trẻ em mắc bệnh mùa nắng nóng
Từ Đồng Nai, sáng 26/4, chị Phan Vân Anh (27 tuổi) đưa con trai 18 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh để khám bệnh. Chị cho biết, bé bị ho, sốt, lừ đừ 3 ngày nay, đã khám bệnh ở tỉnh nhưng không đỡ, gia đình lo lắng nên phải đưa con lên đây. Mấy ngày nay bé không chịu ăn, bứt rứt khó chịu và quấy khóc. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, phải chờ đợi trong cái nắng nóng hầm hập, con trai chị Vân Anh càng quấy khóc nhiều hơn.
Cũng trong tình cảnh bồng bế con đi khám bệnh do ho, sốt, tiêu chảy, chị Nguyễn Thị Bé Thi (ngụ TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, 2 tuần nay, các thành viên trong gia đình chị thay nhau ốm. Tuần trước, bé lớn đang học lớp 4 sốt, ho, tuần này đến lượt bé nhỏ 12 tháng tuổi cũng có triệu chứng tương tự. Theo chị Bé Thi, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến người lớn và trẻ con đều mệt mỏi và dễ bị bệnh.
Bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, hơn 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 4.000 đến 4.400 lượt bệnh nhi tới khám bệnh, tăng khoảng 300-500 ca/ngày so với cùng kỳ năm 2022. Trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và bệnh liên quan đến da. Tỷ lệ trẻ có triệu chứng nặng phải nhập viện dao động từ 8-10%.
“Thời tiết những tuần qua ở TP. Hồ Chí Minh nóng hơn hàng năm, trẻ dễ bị viêm hô hấp như viêm họng, amidan, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, còn có trẻ bị cảm do thay đổi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời. Trẻ cũng dễ bị bệnh tiêu hóa do thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ hư hỏng. Bên cạnh đó, các bệnh lý viêm da mùa hè như rôm sảy, viêm da tiếp xúc với nắng, nhọt, chốc lở, viêm da cơ địa… cũng tăng hơn”, bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm cho biết thêm.
Bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ đến khám bệnh hô hấp, viêm da tập trung ở nhóm trẻ sơ sinh đến dưới 6 tuổi. Các phòng khám ghi nhận một số trẻ bị rôm sảy dẫn đến bội nhiễm hoặc trẻ bị bỏng da độ 1 do tiếp xúc với ánh nắng mà không được che chắn. Ngoài ra, các ca COVID-19 có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Do đó, bác sĩ cảnh báo cần thực hiện tốt nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) trong đợt nghỉ lễ dài ngày tới đây. Phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay, bổ sung nước, dinh dưỡng cho trẻ để phòng các bệnh lý dễ gặp trong giai đoạn nắng nóng này.
Người già cũng “vật vã” với nắng nóng
Chỉ trong 2 tuần, ông Trần Cao Bằng (70 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) đã bị sút 6 kg vì bị lở miệng, không ăn uống được, cơ thể mệt mỏi. Do có bệnh nền tiểu đường nên gia đình đã xin được nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất. Sau 3 ngày nằm viện, tình trạng của ông Bằng có cải thiện hơn nhưng vẫn chưa thể ổn định hoàn toàn. Cũng như ông Bằng, trong một tháng qua, số người cao tuổi gặp các vấn đề sức khỏe đến thăm khám tại Bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh và có chỉ định nhập viện tăng cao.
Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi phải thăm khám, điều trị các bệnh lý về tim mạch, tiêu hóa và hô hấp. Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất có 52 giường bệnh nhưng có những ngày quá tải bệnh nhân, buộc phải kê thêm giường bệnh ở hành lang.
Nhiều người cao tuổi nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
BSCKII. Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng khoa Hô hấp cho biết, gần hai tháng nay, số người cao tuổi nhập viện liên quan đến các bệnh lý hô hấp tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm. Các bệnh lý hô hấp người cao tuổi dễ mắc phải trong mua nắng nóng là viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm phế quản…”Trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng khiến cơ thể người cao tuổi khó tự cân bằng, giảm sức đề kháng, đây là cơ hội để các bệnh lý mạn tính tái phát”, bác sĩ Nguyễn Duy Cường chỉ ra nguyên nhân. Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, viêm phổi tắc nghẹn mạn tính có xu hướng tăng, tỷ lệ bệnh nặng cũng tăng theo.
Để phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Duy Cường khuyến cáo, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, bổ sung nước, chất điện giải, vi chất để nâng cao sức đề kháng. Cùng với đó, không nên gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, khi nhiệt độ bên ngoài trời 36 – 37 độ, nhiệt độ phòng của người cao tuổi chỉ nên dao động ở mức 27 – 28 độ để tránh tình trạng sốc nhiệt khi từ trong phòng đi ra ngoài hoặc ngược lại. Virus cúm, vi khuẩn phế cầu… là những thủ phạm gây ra tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp ở người cao tuổi, do đó, cần tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh lý này.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng, người cao tuổi cần được tiêm vaccine đầy đủ, thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, chế độ dinh dưỡng hợp lý và hạn chế đi ra ngoài trời nắng nóng, đến những nơi đông người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!