Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều bệnh nhân đang điều trị loạn thần do sử dụng quá nhiều rượu, cạnh họ là những gương mặt phụ nữ khắc khổ, có người ngồi lặng thinh nghe chồng chửi rủa, có người đang đút từng thìa cháo cho bệnh nhân, vừa an ủi, vỗ về, vừa dỗ dành để bệnh nhân không la hét, nóng giận. Họ là những người vợ, người mẹ của bệnh nhân loạn thần.
Trong số đó, có bà N.T.H. ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Chồng bà, ông N.T.L. (45 tuổi) nhập viện điều trị vì loạn thần do rượu, thường xuyên dùng cây đánh đuổi bà H. mỗi khi thần kinh không ổn định.
Bà H. tâm sự đã chịu đựng cảnh này suốt nhiều năm nay cùng biết bao trận đòn roi từ ông L. Mỗi ngày ông L. uống hơn một lít rượu, nhiều lần xuất hiện ảo giác, nhìn mọi người xung quanh đều là quái vật, thường hay nói nhảm và đánh chửi vợ con. Cách đây gần 10 ngày, ông L có dấu hiệu sảng rượu, co giật, sùi bọt mép, sau khi tỉnh dậy thì mất kiểm soát hành vi, thường xuyên hoang tưởng nên gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk điều trị.
Đây là lần thứ ba ông L. tái nhập viện điều trị do loạn thần vì rượu. Mặc dù liên tục bị chồng chửi bới vì cho rằng bà muốn hãm hại ông nhưng bà vẫn kiên nhẫn chăm sóc cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện nay phần lớn bệnh nhân nhập viện điều trị vì loạn thần, hoang tưởng do rượu đều trong độ tuổi lao động, trong đó có khá nhiều bệnh nhân có độ tuổi từ 35 đến 50, là lao động chính trong gia đình. Đáng lo ngại, bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa ở độ tuổi trên dưới 30.
Trường hợp của anh A.T.P. (32 tuổi) là một điển hình. Mặc dù là bác sĩ, hiểu rõ tác hại của rượu đối với sức khỏe nhưng anh P. lại là một “con sâu rượu”. Anh nghiện thứ đồ uống có cồn này đã hơn chục năm nay. Ngày nào cũng phải có rượu và uống trên một lít mỗi ngày. Thời gian gần đây, anh P. không ăn, không ngủ mà chỉ uống rượu, đầu óc luôn trong tình trạng ảo giác nên gia đình đưa anh P. đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk để khám. Các bác sĩ chẩn đoán anh P. bị sảng rượu, loạn thần do rượu.
Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 170 trường hợp bị loạn thần do rượu. Đáng nói, độ tuổi loạn thần ngày càng trẻ hóa. Phần lớn bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày… Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới… Không ít trường hợp bị trầm cảm nặng, có những hành vi gây tổn hại đến bản thân và cộng đồng, thậm chí tự tử. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Động kinh, nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tình trạng sử dụng rượu thường xuyên, quá mức hoặc sử dụng thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, hủy hoại một số cơ quan trên cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận… ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi, trong đó có tình trạng loạn thần. Cơ chế gây loạn thần do rượu là khi methanol và andehyt có trong rượu tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa. Loạn thần do rượu gây nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, khiến bệnh phức tạp khó điều trị. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, phần lớn bệnh nhân đều đáp ứng tốt trong quá trình điều trị, tuy nhiên, việc điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng, dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm. Bác sĩ Duyên khuyến cáo, biện pháp phòng ngừa nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu tốt nhất là duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Trường hợp phải uống rượu, nên sử dụng an toàn với liều lượng và tần suất phù hợp. Học cách kiểm soát căng thẳng sẽ giúp hạn chế việc sử dụng rượu bia, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc. Khi nhận thấy những người xung quanh sử dụng rượu thường xuyên, cần đưa ra lời khuyên kịp thời. Khi có những biểu hiện bất thường, nên khuyến khích họ đến bệnh viện để được điều trị trong thời gian sớm nhất…
Đối với những trường hợp nghiện rượu, để không tái nghiện rượu, bản thân người bệnh cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.