U hỗn hợp tuyến nước bọt là gì?
U hỗn hợp tuyến nước bọt lành tính (benign mixed tumors, BMT’s) là loại u thường gặp nhất với tỷ lệ tới 2/3 trong các loại u tuyến nước bọt. U còn được gọi với tên khác là u đa hình tuyến nước bọt (pleomorphic adenoma) do có nguồn gốc từ thành phần biểu mô và biểu mô cơ. U chiếm khoảng 70-80% trong số các u lành tính tuyến nước bọt, đặc biệt thường thấy ở tuyến nước bọt mang tai. Ví trí u thường gặp ở thùy nông tuyến nước bọt mang tai, chiếm 84%.
Nguyên nhân u hỗn hợp tuyến nước bọt
U hỗn hợp tuyến nước bọt gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên gặp nhiều hơn ở độ tuổi 30-60. U xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 2:1. Nguyên nhân của u hỗn hợp tuyến nước bọt chưa được xác định rõ ràng nhưng có bằng chứng cho thấy tỷ lệ xuất hiện u tăng cao từ 15-20 năm gần đây liên quan tới phơi nhiễm bức xạ. Một nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một loại virut gây ung thư ở khỉ (SV40) có liên quan tới sự khởi phát và tiến triển của u hỗn hợp tuyến nước bọt. Vùng đầu cổ là nơi phơi nhiễm bức xạ nhiều hơn cả nên có nguy cơ cao xuất hiện khối u loại này. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác được biết đến như: hút thuốc, phơi nhiễm các yếu tố công nghiệp như sản xuất cao su, thợ làm tóc, hợp chất nickel…
Biểu hiện của u hỗn hợp tuyến nước bọt
Triệu chứng giai đoạn đầu của u hỗn hợp tuyến nước bọt rất nghèo nàn, hầu như xuất hiện với một khối đơn độc, phát triển chậm, không đau. Sau nhiều năm, bệnh nhân thường đến khám với các dấu hiệu: u tăng kích thước lớn hơn, da trên u gồ cao, màu sắc da bình thường, sờ u có chỗ rắn, chỗ mềm, di động.
Tùy vào vị trí của u mà có thể có các biểu hiện khác nhau. Trong tuyến nước bọt mang tai, dấu hiệu bại thần kinh mặt (dây thần kinh VII) như méo miệng nhẹ… xuất hiện khi khối u lớn hoặc chuyển dạng ác tính. U trong thùy sâu tuyến nước bọt mang tai có thể nhìn thầy hoặc sờ thấy sau amydal hoặc cạnh hầu. U tại các tuyến nước bọt phụ có thể gặp ở nhiều nơi với các triệu chứng tại chỗ khác nhau. Chảy máu cam hoặc ngạt mũi có thể là dấu hiệu đầu tiên của khối u tuyến nước bọt phụ tại vách ngăn mũi. Trong khi các khối u ở đáy lưỡi lại gây cảm giác nuốt vướng và nghẹn. Các khối u ở vùng miệng lại có thể gây khít hàm…
Nếu u thoái hóa ác tính có thể kèm các dấu hiệu như sự phát triển nhanh về kích thước của các khối u đặc biệt là các u có kích thước nhỏ, sùi loét da trên u, cứng, chắc, di động hạn chế, liệt thần kinh mặt.
Chẩn đoán u hỗn hợp tuyến nước bọt
Chẩn đoán căn cứ vào hỏi thăm bệnh sử, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
Siêu âm: đây là xét nghiệm dễ thực hiện, có giá trị chẩn đoán cao. Hình ảnh u hỗn hợp tuyến nước bọt trên siêu âm là khối giảm âm, giới hạn rõ, phân biệt được các thùy tuyến. Đồng thời siêu âm cũng hỗ trợ hướng dẫn chọc hút hoặc sinh thiết, là các thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả chẩn đoán cao.
Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ: Hình ảnh cắt lớp vi tính u hỗn hợp tuyến nước bọt thường xuất hiện là khối hình cầu, tỷ trọng mô mềm đồng nhất, có thùy, viền trơn nhẵn, có thể gặp vài nốt vôi hóa trung tâm. Những khối u nhỏ có sự tăng kích thước rõ rệt thuần nhất, trong khi các u lớn thì tăng kích thước ít đáng kể hoặc chậm. Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) tương tự như cắt lớp vi tính; những khối nhỏ hơn xuất hiện đường viền rõ ràng và thuần nhất trong khi những khối u lớn hơn xuất hiện không đồng nhất. MRI có lợi điểm hơn các phương pháp khác do không sử dụng tia X và các phương pháp đối quang (là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của u tuyến nước bọt). Hơn nữa, MRI còn cho hình ảnh không gian ba chiều rõ nét giữa u tuyến và mô bình thường.
Chọc hút tế bào (fine needle aspiration – FNA): giúp chẩn đoán phân biệt với viêm tuyến, khối u, các hạch lympho lân cận, có thể chẩn đoán khối u ác tính với độ nhạy lên tới 90%. Sinh thiết u cung cấp thông tin chính xác hơn về hình thái mô bệnh học u với độ chính xác chẩn đoán khoảng 97%. Hóa mô miễn dịch có thể thực hiện nhằm hỗ trợ phân biệt thành phần tế bào.
Chẩn đoán phân biệt u hỗn hợp tuyến nước bọt bao gồm u Warthin, di căn hạch tuyến nước bọt mang tai, schwannoma dây thần kinh mặt, myoepithelioma, ung thư biểu mô bì nhầy, ung thư biểu mô tuyến nang, và di căn ung thư khác đến tuyến nước bọt. Mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để phân biệt các u trên.
Điều trị u hỗn hợp tuyến nước bọt
U hỗn hợp tuyến nước bọt có nguy cơ ác tính hóa tỷ lệ theo thời gian tổn thương tại chỗ (1,5% trong 5 năm đầu, 9,5% sau 15 năm). Vì vậy, điều trị lý tưởng là phẫu thuật cắt bỏ, thậm chí với tổn thương là lành tính, có báo cáo tỷ lệ tái phát 7-15%. Những yếu tố nguy cơ ác tính khác như tuổi cao, xạ trị, kích thước u lớn và những khối u dễ tái phát. Tùy thuộc vào vị trí u mà lựa chọn các phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Tuyến nước bọt mang tai: Cắt thùy nông tuyến mang tai bảo tồn dây VII đối với khối u có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 3cm và u nằm ở thùy nông của tuyến mang tai. Cắt toàn bộ tuyến mang tai bảo tồn dây VII đối với khối u có kích thước lớn hơn 3 cm hoặc khối u nằm ở thùy sâu của tuyến.
Tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi: phẫu thuật cắt bỏ u, bảo tồn các thần kinh lân cận như nhánh bờ hàm dưới của dây thần kinh V, dây thần kinh hạ thiệt và dây thần kinh lưỡi.
Tuyến nước bọt phụ: cần cắt bỏ cách rìa u 5mm.
Biến chứng của u hỗn hợp tuyến nước bọt
Biến chứng có thể gặp như tái phát u sau phẫu thuật, u chuyển dạng ác tính.
Liên quan đến phẫu thuật, ngoài hai biến chứng chảy máu và nhiễm trùng như các phẫu thuật khác thì mỗi phẫu thuật có các biến chứng riêng.
Phẫu thuật lấy u tuyến mang tai: Liệt mặt, tê da vùng tai do tổn thương dây thần kinh tai lớn, rò nước bọt, hội chứng Frey. Nếu thần kinh mặt bị tổn thương, bệnh nhân phải được hướng dẫn cách chăm sóc mắt, cách sử dụng và nhỏ mắt tránh tổn thương giác mạc. Nên đến thăm khám chuyên khoa mắt. Phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh, có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm để hồi phục hoàn toàn chức năng mắt.
Phẫu thuật lấy u tuyến dưới hàm: Liệt nhánh bờ hàm dưới của dây VII, liệt dây XII, IX, rò nước bọt.
Phẫu thuật lấy u tuyến nước bọt phụ: rò nước bọt ít gặp, thủng màn hầu (lấy u màn hầu).
Theo dõi sau phẫu thuật u hỗn hợp tuyến nước bọt
Tái khám sau phẫu thuật theo các mốc thời gian như sau: 3 tháng đầu sau phẫu thuật, định kỳ 3 tháng sau 1 năm và 6 tháng trong 5 năm tiếp theo, sau đó tái khám hàng năm. Bệnh nhân được thăm khám lâm sàng đánh giá tại chỗ, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, nếu nghi nhờ tổn thương có thể chọc hút tế bào.
Tại Trung tâm, phẫu thuật u hỗn hợp tuyến nước bọt mang tai được thực hiện thường quy với các kỹ thuật: Cắt u và một phần tuyến quanh u (Extracapsular dissection – ECD), cắt u và thùy nông tuyến (Superficial parotidectomy – SP), cắt toàn bộ tuyến (Total parotidectomy – TP) và bảo tồn dây thần kinh VII. Phẫu thuật cắt u đơn thuần hoặc kết hợp cắt một phần tuyến hoặc cắt toàn tuyến được áp dụng cho các tuyến nước bọt còn lại. Sau phẫu thuật kết quả đạt tốt với tỷ lệ cao.