Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, tóc liên quan hoạt động căng thẳng thần kinh rất nhiều. Khi stress, chúng ta sẽ đẩy những nang tóc trong giai đoạn phát triển tiến dần vào trạng thái ngừng hoạt động. Hoặc khi căng thẳng, chúng ta có thói quen sờ tay lên da đầu, nhổ tóc, nhất là với học sinh. Với bệnh lý rụng tóc thể mảng (rụng thành đám như đồng xu, ngón tay, lòng bàn tay hay toàn bộ da đầu), theo thống kê có tới 80-90% bệnh nhân mắc bệnh này liên quan stress.
Các nghiên cứu chỉ ra, stress làm tăng giai đoạn telogen, khiến giai đoạn rụng tóc dài ra, số lượng tóc rụng nhiều hơn.
Tóc là một phần cơ thể, cũng cần được nuôi dưỡng. Sau những đợt ốm đau, như sốt xuất huyết, Covid-19, phải phẫu thuật; thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân; hay sau sinh…, nhiều người có hiện tượng rụng tóc. Điều này do chúng ta giảm cung cấp dinh dưỡng cho tóc.
Nang tóc chứa các tế bào hoạt động mạnh, thay đổi chu kỳ nhiều, cần nhiều nguồn năng lượng, dinh dưỡng. Khi bản thân ốm đau, chúng ta sẽ đẩy dinh dưỡng đi hỗ trợ các cơ quan, bộ phận cần sự sống, điều này sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng cho nang tóc.
Liên quan đến chế độ dinh dưỡng, với các bạn trẻ, nhất là thanh thiếu niên, cần lưu ý đồ ăn nhanh là nguyên nhân thiếu các vi chất và các vitamin tổng hợp cần thiết trong cơ thể.
Giấc ngủ, căng thẳng, hút thuốc, uống rượu bia đều liên quan rụng tóc. Vì thế, chúng ta nên ngủ sớm trước 23h, hạn chế căng thẳng, tăng cường bài tập thể lực, hạn chế tối đa rượu bia, đặc biệt tránh xa khói thuốc lá.
Về chế độ dinh dưỡng, sắt, vitamin D là những yếu tố đóng vai trò lớn trong hình thành nang tóc. Nên giảm bớt những đồ ăn nhanh, bổ sung vitamin và các yếu tố tổng hợp, tốt nhất là được bác sĩ khám, đánh giá để sử dụng các vitamin phù hợp tình trạng nhất. Các bạn trẻ không nên nhuộm tóc nhiều, không nên sử dụng các hóa chất ảnh hưởng tới cấu trúc nang tóc và da đầu.