Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ cuối tháng 1 đến nay, 255 trẻ em tại đây đã có triệu chứng sốt kèm phát ban, hai trường hợp tử vong được xác định có khả năng rất cao liên quan đến bệnh sởi.
Tính đến ngày 10 tháng 3 năm 2025, toàn tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 577 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 80 ca dương tính với sởi, số ca mắc tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi (75%), tiếp đến là lứa tuổi 5-10.
Đáng lo ngại, 59,5% trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm vaccine phòng sởi, và khoảng 30% trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Hai trường hợp tử vong là học sinh, do hoàn cảnh khó khăn gia đình không đưa trẻ đi điều trị kịp thời.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗ hổng vaccine trong thời gian dịch COVID-19 và tình trạng thiếu vaccine năm 2023, dẫn đến việc trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương triển khai các biện pháp cử tổ công tác đến địa bàn giám sát, xác minh và điều tra các ca bệnh; Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch, đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ các điểm dịch; Tăng cường vật tư, nhân lực, tuyên truyền về dịch bệnh đến từng hộ gia đình; rà soát, tổ chức tiêm chủng, tiêm bù, tiêm vét; Theo dõi, phân tích và đánh giá tình hình dịch tễ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Bác sĩ Hoàng Văn Luận – Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết cũng nhấn mạnh “ cần vận động nhiều gia đình có trẻ bị mắc bệnh tới cơ sở y tế, nếu mà trường hợp nặng thì sẽ chuyển lên trung tâm y tế để tiếp tục điều trị.”
Tình hình dịch sởi tại Quảng Nam là lời cảnh báo về tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ và kịp thời, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.