Bệnh nhi hơn 3 tuổi, được nhập viện nhiều lần với các triệu chứng ban đầu là báng bụng, xuất huyết tiêu hóa. Năm 2022, bệnh nhi được điều trị nội khoa bảo tồn, ít xâm lấn nhất có thể, đồng thời đi tìm nguyên nhân của ca bệnh.
Bệnh nhi và mẹ được xét nghiệm gen và có kết quả là giảm protein C, gây tăng đông, tạo nên các huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu. Đến năm 2024, bệnh nhi suy gan, xơ gan và có chỉ định ghép gan.
Với tình trạng bệnh đặc biệt, khác hẳn so với những ca ghép gan trước đây, bệnh nhi có cấu trúc mạch máu bất thường, dẫn đến việc phẫu thuật rất khó khăn. Ngoài ra, tình trạng bị tăng đông mạch máu có thể có huyết khối sau ghép, cần phải dùng thuốc kháng đông kéo dài.
Đây là một ca ghép gan khó, nhiều thử thách. Để chuẩn bị cho ca ghép, Khoa Gan mật tụy và Ghép gan phải hội chẩn trong 2 tháng với chuyên gia từ Bỉ. Ca ghép gan được thực hiện ngày 1/7/2024 và sau ghép 8 ngày, bệnh nhi đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Từ năm 2005 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 36 ca ghép gan và 30 ca ghép thận. Vượt qua những khó khăn về thiếu cơ sở vật chất, ekip thực hiện… Bệnh viện Nhi đồng 2 từng bước đẩy mạnh việc ghép tạng nói chung và ghép gan ở trẻ em nói riêng. Sau khi Khoa Gan mật tụy và Ghép gan được thành lập (năm 2020), Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 23 ca ghép gan.
Hiện nay, danh sách chờ ghép gan tại bệnh viện đã lên tới 200 ca. Trong đó có 20 ca đã tìm được người hiến phù hợp. Với nhu cầu ghép tạng ngày càng nhiều, Bệnh viện Nhi đồng 2 đẩy mạnh việc nghiên cứu các kỹ thuật ghép tạng, nâng cao tỷ lệ thành công và giảm nguy cơ biến chứng; đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, tổ chức các chương trình hợp tác quốc tế, trao đổi để cập nhật kiến thức và kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ghép tạng. Đồng thời, xây dựng hệ thống pháp lý vững mạnh, minh bạch, luôn cố gắng đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân và người hiến tạng.