Trong 2 tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã điều trị cho 2 bệnh nhi bị thương do chơi pháo nổ. Cùng thời gian này, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhi bị tai nạn liên quan đến pháo.
Khi nhập viện Nhi đồng 2 TP.HCM, 2 bệnh nhi bị bỏng nặng với tỉ lệ 40-50% do chơi pháo nổ. Một bệnh nhi khác bị thương ở tay khi chế tạo pháo nổ.
BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Trưởng khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết: “May mắn là không bị thương ở mắt, tay chân hiện tại cũng đang cử động khá là ổn, hiện không có dấu hiệu co rút.”


Rải rác trong năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp nhận các bệnh nhi bị thương do chơi pháo nổ. Đến dịp cận tết, số lượng bắt đầu gia tăng, tập trung ở các bé trai độ tuổi từ 12-13 khi phụ huynh không kiểm soát được.
Một người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Chúng tôi đi làm rẫy cách nhà 5km, con gái gọi điện mới biết chạy về. Thấy đồ cháu chơi có bột diêm và ruột xe.”
Người nhà một bệnh nhân khác kể lại: “Tới nhà bạn chơi, hoặc chơi ở nhà. Khi mà ở xóm người ta phát hiện, người ta mới chở bé đi xuống trạm xá.”
Nguy hiểm của tai nạn pháo nổ là gây ra vết thương thường không có khả năng phục hồi.
Bác sĩ Ngọc Ngà cho biết thêm: “Ngoài vấn đề tổn thương dập nát thì còn có những dị vật găm rất sâu. Nếu như ở trên cao thì có thể tổn thương vùng mắt, vùng trên mặt, trong miệng, hầu họng. Còn nếu ở tay thì hầu như là cái nguy cơ tàn phá và mất chức năng của tay rất là cao.”
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nhắc nhở trẻ không được chơi pháo nổ hay chế tạo pháo nổ. Nhất là hiện nay trên mạng xã hội có nhiều clip hướng dẫn chế pháo nổ khiến các em học theo. Tai nạn do pháo có thể gây ra cháy nổ, thương tích, tàn vật, thậm chí là gây tử vong.