Gần 1 tháng nay, một vị phụ huynh phải đưa con đến bệnh viện để bác sĩ tư vấn tâm lý. Cháu bị khiếm thính, khi đi học bị bạn bè chọc ghẹo, khiến cho mới đây cháu đã có việc làm dại dột với bản thân.
Người nhà bệnh nhi chia sẻ: “Cô giáo nói là khi các bạn chọc rồi bé có hành động là chạy ra khỏi lớp và bước một chân ra ngoài lan can của trường, các bạn trong lớp thấy như vậy rồi lôi bé vô.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Phạm Thị Rành, Khoa Phòng khám Tâm lý – Chất lượng cao, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết: “Các em tự ti và đôi khi có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu có một tác động khách quan nào đó tiêu cực thì bé có những suy nghĩ lệch lạc. Thành ra là phụ huynh, cô giáo cũng như tất cả những bạn xung quanh bé phải luôn cùn sát cánh với bé để nâng đỡ bé.”


Theo nghiên cứu mới nhất của UNICEF, cứ 5 thiếu niên ở Việt Nam có một em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, cần tư vấn chăm sóc. Trẻ yếu thế càng dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khi thường tự ti về bản thân. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ loại bỏ mặc cảm.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Phạm Thị Rành nhấn mạnh: “Cũng luôn là mình phải giải thích và bày tỏ sự đồng cảm của mình, ủng hộ cho con những nỗ lực phấn đấu của bản thân, ví dụ như một sở thích nào đó, cũng như những năng lực, những kỹ năng cá nhân của con có trội vào những mặt đó.”
Người nhà bệnh nhi chia sẻ thêm: “Sau khi được các cô ở Bệnh viện Nhi đồng 2 khám thì gia đình cũng bớt chút thời gian dành cho gia đình, chăm lo, chăm sóc cho bé, để cho bé vượt qua những tình trạng như vậy.”
Trong mối quan tâm chung của xã hội dành cho trẻ yếu thế, thì gia đình, thầy cô và bạn bè là những người gần gũi với trẻ nhất. Tạo môi trường gia đình gắn kết, bạn bè và giáo viên hỗ trợ sẽ giúp trẻ giảm tự ti, giải tỏa những căng thẳng tiềm ẩn đối với trẻ yếu thế.