Alo Doctor xin kính chào quý khán giả và tôi là Vũ Mạnh Cường. Thưa quý vị, đau thần kinh tọa là một căn bệnh sẽ gây rất nhiều trở ngại trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Đó là mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi một bước đi đều gây nên sự đau đớn. Và hiện nay, với sự phát triển của y học thì chúng ta đã có một phương pháp đó là điều trị đau thần kinh tọa bằng Methyclobalamin liều cao. Vậy thì hiệu quả của phương pháp này như thế nào? Chúng ta sẽ cùng gặp gỡ với 2 vị khách mời trong chương trình hôm nay. Xin trân trọng giới thiệu vị khách mời đầu tiên, đó là TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và cột sống của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
BS Nam Anh
Xin chào Cường và xin chào quý vị khán giả.
Và vị khách mời tiếp theo là BS CKII Phạm Thế Hiển, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ạ.
BS Thế Hiển
Xin chào Cường, xin chào bác sĩ Nam Anh, xin chào quý vị khán giả đang theo dõi chương trình.
Xin chào đón bác Nam Anh và bác Thế Hiển đến với chương trình ngày hôm nay. Đây có lẽ là chương trình đầu tiên của Alo Doctor là có 2 bác cùng tham gia. Cho nên tôi tin chắc chương trình ngày hôm nay hàm lượng về khoa học, y học sẽ rất nhiều. Đầu tiên chúng ta cùng chia sẻ câu chuyện là đau thần kinh tọa là như thế nào? Xin mời bác Nam Anh ạ.
BS Nam Anh
Từ đau thần kinh tọa là từ vừa là dân gian nhưng cũng là từ y khoa. Chúng ta nghe rất nhiều, thậm chí là nhiều bệnh nhân đến phòng mạch khám hoặc đến viện khám chưa hết người ta nói bác sĩ ơi tôi bị đau thần kinh tọa, bây giờ điều trị. Thế thì đau thần kinh tọa là cái gì? Chúng ta biết trong cơ thể chúng ta có 1 sợi dây thần kinh gọi là thần kinh ngồi hay là thần kinh tọa. Cái chữ tọa chính là chữ ngồi, nó là thần kinh ngồi. Nó xuất phát từ vùng thắt lưng và nó đi dọc theo mặt sau đùi xuống tới tận vùng lòng bàn chân. Bất kỳ 1 biểu hiện nào gây ra tổn thương của thần kinh tọa thì nó sẽ gây ra đau thần kinh tọa.
Thần kinh tọa này nó sẽ bị tổn thương ở khu vực nào? Thứ nhất là khu vực mà nó xuất phát nó đi ra, tức là từ rễ thần kinh nó chui ra ngoài và trên đường đi như vậy nó có thể bị chèn ép, nhất là trong trường hợp bị thoát vị địa đệm và nó chèn vào rễ thần kinh đó thì nó sẽ gây ra triệu chứng đau thần kinh tọa.
Nhưng mà đôi khi có thể là không bị chèn ép ở vùng đó mà nó bị chèn ép ở vùng thấp hơn là chúng ta có 1 cơ gọi là cơ hình lê ở vùng mông và khi mà thần kinh tọa này nó đi thì nó rất là hay, nó chui xuống dưới cơ hình lê và nó nằm giữa 2 cái đầu của cơ hình lê. Vậy thì khi cơ hình lê nó siết lại thì nó sẽ làm cho bệnh nhân cũng bị đau thần kinh tọa.
Và 1 số trường hợp bệnh nhân bị viêm thần kinh tọa vì 1 lý do nào đó ví dụ như chúng ta là nhiễm trùng, chúng ta bị nhiễm virus hoặc là chúng ta bị viêm vì 1 lý do nào đó cũng gây ra đau thần kinh tọa.
Triệu chứng đau là triệu chứng rất điển hình, nhưng mà đau ở đây nó phải đau theo kiểu của thần kinh. Có nghĩa là bệnh nhân sẽ đau theo kiểu giống như là điện giật, hoặc là bệnh nhân có cảm giác là nóng rát ở vùng bàn chân, hoặc là có cảm giác giống như là đạp hột cơm, hoặc là đạp 1 vật gì đó, hoặc là bệnh nhân có cảm giác giống như là con kiến nó bò ở vùng mặt sau đùi lan xuống cẳng chân và tới vùng bàn chân.
Thì như vậy, đau thần kinh tọa mình gọi là đau nhưng mà nó biểu hiện bằng cái chuyện là đau theo kiểu của rễ thần kinh. Nó khác với những cái đau mà ví dụ như bạn bị người yêu nhéo thì đó là đau bình thường nhưng mà nếu mà đau của thần kinh thì nó phải có những triệu chứng mà chúng tôi vừa mới mô tả.
Vâng ạ, và có rất nhiều những bệnh nhân nói rằng đau thần kinh tọa là cơn đau khủng khiếp nhất. Nhờ bác Hiển sẽ chia sẻ nhiều hơn về nguyên nhân cũng như là biểu hiện.
BS Thế Hiển
Thì cái nguyên nhân thứ nhất là chúng ta thấy đó là cái thoát vị đĩa đệm. Dân gian mình hay nói, không cần bác sĩ đâu, đau lưng và tê chân là coi chừng thoát vị đĩa đệm, ai nói cũng được cả, đó là một trong những nguyên nhân.
Đĩa đệm là gì? Đĩa đệm đó là những lớp đệm giữa những cái đốt sống. Như cột sống của chúng ta từ cổ đi xuống dưới cái xương cụt thì nó có rất là nhiều cái đốt sống và giữa những cái đốt sống nó có những lớp mô sơ, có những nhân đệm chứa nước trong đó. Vì một lý do nào đó nó rách cái bao sơ đi và cái nhân nước nó tràn ra ngoài. Nó tràn ra trước thì không sao, nhưng mà nó tràn ra sau, nó tràn qua trái, nó tràn qua phải, nó tràn ra chính giữa, nó sẽ chèn đi những dây thần kinh. Nó sẽ gây đau và tê giống như bác sĩ Nam Anh mô tả.
Nguyên nhân thứ hai nữa là do thoái hóa. Thoái hóa đó là gì? Thoái hóa làm cho cái đĩa đệm đó nó xẹp xuống. Nó xẹp xuống thì làm cái lỗ ra của dây thần kinh nó sẽ nhỏ lại và nó sẽ gây chèn ép thần kinh, nó sẽ gây đau.
Còn một trong những nguyên nhân của thoái hóa nữa là nó gây ra những cái gai xương. Cái gai xương ở ngay những cái mấu khớp gần cái lỗ ra của dây thần kinh. Nó cũng có thể gây chèn ép dây thần kinh chỗ đó, nó gây tê, lan xuống chân. Rồi nó đi ra ngoài, nó đi xuống dưới cơ hình lê, ngay chỗ mà bác sĩ Nam Anh vừa mô tả đó.
Thì chúng ta hay hỏi tại sao cơ hình lê nó lại co thắt nó gây viêm? Cái này như do thư thế chúng ta ngồi. Có một số bạn ngồi trên cái ghế cứng đó, mà ngồi không có sát ở phía sau. Ngồi như Mạnh Cường đang ngồi nè, ngồi không sát phía sau. Ngồi cấn cái mông chỗ này, thì cấn vào cái dây thần kinh, cái cơ hình lê đó, nó cũng gây tê lan xuống.
Hoặc là những cái người mà lái xe, những anh tài xế lái xe đó, ngồi đường trường như vậy. Có một số người bỏ cái ví phía sau nữa. Bỏ cái ví phía sau đó, cái ví nó lại là một cái vật cấn ở phía sau của chúng ta. Lỡ may trên đường đi của dây thần kinh, nó vẫn có thể gây chèn ép dây thần kinh đó, và nó gây tê, gây đau.
Mình nói rõ hơn về cái triệu chứng đó Mạnh Cường. Ở đây ai mà ngồi lâu mà đứng dậy, tự nhiên cái chân nó tê rần một lúc, phải đỡ đỡ rồi mới đi được. Có ai có trải qua cảm giác đó không? Đó là cảm giác tê. Đó là cảm giác tê, tại vì cái tê mà nói ra, như bác sĩ Nam Anh nói đó là cái tê, có người tê, cảm giác tê là tê cứng. Nhưng mà tê kiểu như là kiến bò râm ran, giống như cái cảm giác mà chúng ta ngồi lâu thì đó là kiểu đau tê của thần kinh.


Nếu như vậy thì em cũng có nguy cơ rồi. Sau khi mà em ngồi khoảng trên một tiếng, em đi xuống là nó cũng hơi bị tê tê, không biết là có phải là biểu hiện của đau thần kinh tọa hay không? Thế nên là hai bác sẽ chia sẻ nhiều hơn là nhóm đối tượng nào thì có nguy cơ cao trong việc mắc thần kinh tọa. Mời bác Nam Anh ạ.
BS Nam Anh
Thật ra mà nói thì nhóm đối tượng nào cũng có thể bị tổn thương với thần kinh tọa. Nhưng mà người ta thấy đầu tiên là độ tuổi. Con người ta chu trình phát triển là khi người ta từ nhỏ cho đến khoảng 20-22 tuổi thì mình đang phát triển lên. Bắt đầu qua từ 30-35, nó nằm ngang là giai đoạn tái tạo và phá hủy bằng nhau.
Sau 35 thì tôi hay gọi là mình qua bên kia sườn dốc của cuộc đời đó, thì bắt đầu nó xuống. Và như vậy thì ở độ tuổi này trở về sau, thì nhân đệm bắt đầu cũng bị hư. Ví dụ như Cường thấy một cái ghế mà nó có những miếng cao su để nó bọc chân cho nó đừng kêu, đừng làm hư sàn nhà đó. Sau thời gian, miếng cao su nó cũng bị bể đi.
Tương tự như vậy, cái đĩa đệm giữa các thân đốt sống nó cũng bị xẹp đi. Người ta hay gọi là thoái hóa mất nước nhân địa đệm. Thì khi nó xẹp như vậy, thì ở tuổi nào nó mới bị? Tức là tuổi bắt đầu mình thoái hóa trở đi nó mới bị, chứ không phải là tuổi trẻ.
Nhưng mà có một số trường hợp, những người trẻ khi họ làm sai tư thế, nhất là khom lưng, khiêng đồ, thì cái nhân đệm nó cũng bị hư. Và người ta nghĩ đến cái chuyện là sẽ có một số yếu tố mang yếu tố gia đình, tức là có yếu tố gen nữa. Nhưng cái điều người ta không phát hiện ra được cái chuyện đó thôi, chưa tìm ra được cái gen đó thôi. Thì một số người sẽ bị thoái hóa sớm hơn một số người khác.
Thế nên các bạn đừng có hỏi là tại sao em thấy bà cô ở trong xóm kia là bà già rồi mà bà không bị thần kinh tọa, mà em mới 30 mấy tuổi em bị thần kinh tọa. Cơ thể người này nó khác người kia.
Thứ hai là những nhóm người mà ngồi lâu. Vì khi ngồi lâu mà không hoạt động, thì cái áp lực nó cứ đè lên cái nhân đệm hoài cũng làm gây ra thoái hóa cái nhân đệm sớm hơn.
Nhóm lao động nặng, đương nhiên rồi vì khiêng vác và đa số chúng ta thấy là chúng ta khiêng sai hoàn toàn.
Và đặc biệt tới cái mùa mà tết đó là chúng ta sẽ thấy đau thần kinh tọa nó rõ hơn. Tại vì sao? Tại vì người ta phải khiêng chậu cảnh, khiêng cái này cái kia.
Và Cường thấy là những người mà cử tạ đó người ta không bao giờ ta cúi xuống, ta cử, ta nâng cái tạ lên cả, ta phải giữ cái lưng cho nó thẳng. Nhưng mà mấy ai trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta làm giống như một cái người cử tạ. Cường có coi những cái anh cử tạ đúng không? Họ giữ cái lưng thẳng, chứ còn họ mà cúi họ khiêng như vậy là họ sẽ bị gãy cột sống hoặc là bị thoát vị đĩa đệm lẹ hơn.
Và nhóm nữa là những người mà đặc biệt là mình thấy là người Việt Nam mình đó là hay ngồi xổm và hay nằm võng. Đó là những cái động tác nó làm cho cong cái đốt sống mình trở lại và nó gây ra cái tình trạng là thoái hóa cái nhân đệm nó sớm hơn.
Dĩ nhiên Cường cũng nằm trong nhóm đó là tại vì em sẽ ngồi xuống. Và đặc biệt là khi em ngồi ở cái tư thế này, dưới cái máy quay làm sao mà em cứ nhúc nhích được đúng không? Phải giữ cái gọi là cái tư thế, cái hình tượng thì nó rất là khó. Như vậy, cái đốt sống em nó không có được cử động và các cái cơ nó cũng co cứng nữa và nó sẽ làm cho tăng áp lực lên đĩa đệm thì đó là Cường cũng thuộc nằm trong cái nhóm là có nguy cơ.
Thì chắc là bây giờ mình phải đến liền với lại cái việc điều trị đi bác ơi. Điều trị hiện nay thì điều trị đau thần kinh tọa là có những cái phương pháp nào và tới thời điểm này thì phương pháp nào là hiệu quả nhất?
BS Thế Hiển
Về điều trị thần kinh tọa thì chia ra 2 nhóm là nhóm điều trị bảo tồn là không mổ và nhóm phải phẫu thuật và các bác sĩ luôn cố gắng điều trị bảo tồn trướcbằng nhiều cách và đến khi điều trị bảo tồn không được nữa, người ta mới chuyển qua mổ. Hoặc là bệnh nhân có những cái dấu chứng mà phải mổ khẩn cấp. Mình có một cái từ trong y học đó là hội chính chùm đuôi ngựa. Nếu mà không mổ thì bệnh nhân sẽ bị nhiều cái biến chứng nó nặng hơn.
Thì bây giờ cái điều trị không mổ thứ nhất là phải làm cho rõ đó là có phải thoát vị đĩa đệm hay không? Tại vì nó đau lưng mà lan xuống chân nó có nhiều nguyên nhân lắm. Chúng ta có thể thấy đó là đau lưng mà lan xuống chân như là viêm khớp cùng chậu. Rồi đau cái phần sau mông mà lan xuống phía dưới gối mình có thể gặp đó là những tổn thương của cơ harnstring, cơ chân ngỗng đó. Hoặc là chúng ta có thể đi cách hồi, đau mà đi một chút là tê, phải ngồi xuống của những người bị tiểu đường, bị bệnh đa dây thần kinh ngoại biên. Do vậy thì có nhiều nguyên nhân lắm, các bác sĩ phải làm rõ coi nguyên nhân là do đâu.
Đối với thoát vị đĩa đệm đã xác định rồi, đúng rồi. Thì có những cách điều trị sau đây, thứ nhất đó là về mức độ có nặng hay không? Người ta sẽ cho chụp MRI, đo điện cơ và nó phải tương xứng giữa 3 bên. 3 bên nghĩa là gì? Đó là biểu hiện lâm sàng, biểu hiện bên ngoài của người bệnh, đau mà tê đúng cái vùng da mà thần kinh đó chi phối. Rồi cái điện cơ, các bác sĩ cho đo chỉ ra rằng à bạn đã bị tổn thương cái dây thần kinh đó và cái hình ảnh học đó là cái MRI chỉ ra bạn bị thoát vị đĩa đệm, chèn đúng cái rễ thần kinh đó, thì đúng là cái đau này là do thoát vị đĩa đệm. Và các bác sĩ luôn cố gắng là điều trị bằng thuốc trước.
Và có nhiều loại thuốc để điều trị cái này và vật lý trị liệu. Nếu mà không cải thiện thì các bác sĩ sẽ chuyển qua đó là phẫu thuật để lấy nhân đệm nó đi và đặt nhân đệm nhân tạo vào. Hoặc là đối với một số người bị trượt đốt sống có nghĩa là cột sống bị mất vững, bị mất đi những mấu khớp, bị gãy đi chẳng hạn thì các bác sĩ phải đặt những thanh nẹp, ốc vít vào để giữ vững cột sống, gọi là hàn cái đốt sống đó luôn. Thì đó là những phương pháp để mà điều trị đối với thoát vị đĩa đệm.
Như bác Hiển vừa mới chia sẻ đó thì nếu như chúng ta phát hiện sớm có thể là không cần phải phẫu thuật. Nhưng mà như thế nào là sớm? Bác Nam Anh hãy chia sẻ nhiều hơn.
BS Nam Anh
Câu hỏi như thế nào là sớm thì thật ra là người ta không có định nghĩa được tại vì khi nào bệnh nhân có triệu chứng mà người ta thấy khó chịu là người ta đi khám. Nhưng mà cũng có nhiều người có triệu chứng nhưng mà người ta bỏ qua rồi người ta cứ hoặc là người ta uống cái này uống cái kia đại hoặc là người ta cứ nghĩ sau thời gian nó sẽ bớt người ta để từ tháng này qua tháng nọ năm này qua năm nọ thì nó sẽ gây ra sự chèn ép của thần kinh nhiều hơn.
Vậy thì nếu mà chúng ta vừa mới xuất hiệu triệu chứng trong vòng 1 tuần, nó xuất hiện liên tục 1 tuần, 2 tuần vậy đó mà chúng ta đi khám thì chúng ta có thể gọi là sớm. Hoặc là giai đoạn cấp, tức là trong vòng trước 3 tuần lễ thì người ta thấy xuất hiện ra triệu chứng liền người ta đi khám liền thì nó gọi là giai đoạn cấp tính thì nó vẫn là sớm.
Giai đoạn mãn tính người ta có thể chia ra từ 3 tuần cho đến khoảng 3 tháng gì đó thì lúc đó mình đi khám thì nó chuyển qua giai đoạn bán cấp. Còn nếu mà nó đau dai dẵng liên tục kéo dài trên 3 tháng, 6 tháng trở lên người ta gọi là mãn tính.
Nhưng mà thật ra cái chuyện mà đi khám, bệnh nhân đi khám thời điểm nào thì bác sĩ sẽ xử lý ngay cái thời điểm đó. Vậy thì mình cũng không có quá câu nệ cái câu chuyện rằng là của mình nó trễ quá hay là nó sớm quá bất kỳ khi nào các bạn thấy 1 triệu chứng đau lưng mà lan tê xuống chân thì các bạn nên đi khám. Vì chỉ có bác sĩ người ta mới xác định được là ở giai đoạn nào điều trị nội khoa hay điều trị can thiệp. Can thiệp cũng có nhiều thứ, có thể là can thiệp phong bế thần kinh rồi giảm đau trước khi chuyển qua đi mổ và cái đoạn cuối cùng sẽ là cái đoạn mổ.


Trong những phương pháp mà bác nói can thiệp bằng hình thức nội khoa thì có phương pháp nào tới thời điểm này đang là hiệu quả nhất không?
BS Nam Anh
Cái can thiệp nội khoa thì nó sẽ có nhiều thứ để can thiệp vào và người ta phải điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau để giảm triệu chứng cho bệnh nhân. Tôi lấy chẳng hạn như là khi bệnh nhân có viêm thần kinh tọa thì chắc chắn có hiện tượng viêm thì chắc chắn sẽ phải những thuốc kháng viêm giảm đau và những thuốc chống phù nề để cho sợi thần kinh nó đừng có bị kích thích.
Cường có thể tưởng tượng như thế này, sợi thần kinh của mình nó giống như sợi dây điện ở nhà mình, nó có lõi bằng đồng ở bên trong và vỏ bên ngoài, thì khi sợi thần kinh bị chèn ép vỏ bên ngoài sẽ bị hư. Vỏ bên ngoài gọi là bao myelin, một tên rất y khoa nhưng mình có thể hình dung là bao myelin đó giống như vỏ nhựa bọc sợi dây đồng của mình, thì khi vỏ nhựa bị thoái hóa đi thì nó sẽ chạm điện và khi đó sẽ gây ra triệu chứng.
Thế thì mục tiêu điều trị đối với những người bị thần kinh tọa là làm sao giảm thiểu tình trạng viêm của thần kinh và giúp cho bao myelin nó tái tạo trở lại. Một trong số những phương án điều trị mà hiện nay người ta đang sử dụng rất nhiều đó là sử dụng Methyclobalamin liều cao.
Thì định nghĩa như thế nào là liều cao, thì người ta thấy là một viên khoảng 500microgram, liều cao như vậy là khoảng 10mg tức là gần 20 viên. Nhưng mà dĩ nhiên người ta sẽ không uống như vậy mà người ta sẽ cho chích, mình đã có loại để mà chích trong một tuần lễ điều trị tấn công. Mình tưởng tượng giống như nhà đang cháy đó phải kêu xe cứu hỏa tới xịt lửa vô liền cho nó dập cái cơn lửa đó cái đã rồi sau này mình mới tái thiết rồi mình mới lượm đồ rồi mình mới lên kế hoạch xây dựng sau.
Thì cái đoạn sau là cái đoạn phải tiếp tục cái Methyclobalamin đó tiếp tục, sau khi chích người ta sẽ cho uống vẫn là liều cao, giai đoạn đầu liều cao nó cũng có thể làm giảm viêm, giảm đau triệu chứng thần kinh cho bệnh. Cái quan trọng nhất là nó có thể giúp tái tạo lại cái bao myelin đó và khi cái sợi thần kinh mà được tái tạo lại cái bao myelin có nghĩa là cái sợi, cái lõi đồng của sợi dây điện của mình đã được bọc bằng cái vỏ nhựa bên ngoài thì nó sẽ không chạm điện nữa và như vậy nó không có gây ra giật điện nữa và như vậy thì bệnh nhân sẽ giảm cái triệu chứng và đó là cái phương án điều trị mà có thể xem như là điều trị gốc rễ.
Cái vấn đề kèm theo cái chuyện là làm sao hạn chế bớt cái tình trạng là chèn ép cái thần kinh lần nữa. Thì như vậy cái việc hạn chế chèn ép cái thần kinh lần nữa đó là vai trò của vật lý trị liệu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mình là các cái động tác, các cái tư thế để cái sợi thần kinh, cái nhân đệm đó đừng có cọ sát và nó đừng có làm chèn thần kinh, ví dụ như anh khom lưng hoặc là anh ngồi sai tư thế v.v. Thì những cái chuyện đó nó sẽ giúp cho cái sự tái phát của cái bệnh lý này nó ít đi, nó giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Methylcobalamin liều cao, bệnh nhân sẽ sợ là tác dụng phụ, thì bác hãy chia sẻ nhiều hơn.
BS Thế Hiển
Methylcobalamin đó thực sự đó là cái vitamin B12, mình nghe B1, B2, B3, B5, B6 đến B12. Thì cái vitamin B12 này nó lại tan trong nước, thành thử là ngộ độc vitamin B rất là hiếm gặp và khi mình dùng cái liều cao thì nó sẽ được thải qua thận hết nhưng nó vẫn có tác dụng phụ của nó.
Và chúng ta khi đã dùng liều cao phải dưới sự kiểm soát của bác sĩ và sau đó là dùng cái liều hằng ngày đó thì lại có thể cho uống tại nhà. Vì vậy những cái tác dụng phụ của Methylcobalamin liều cao mình có thể gặp đó là chống mặt, buồn nôn, buồn ói, tiêu chảy và dĩ nhiên là dị ứng.
Có một số trường hợp đó là nó tương tác với một số bệnh lý, loại thuốc mà người ta đang uống như thuốc tiểu đường, Metformin hoặc là những loại thuốc kháng viêm kiểu như Aspirin thì những loại thuốc này nó lại giảm hấp thu Methylcobalamin này. Như vậy bác sĩ sẽ cân đối liều để làm sao như bác sĩ Nam Anh nói trong giai đoạn cấp tính chúng ta phải tấn công một cách hiệu quả, nhanh nhất, mạnh nhất và rút gọn để cho chúng ta tránh tác dụng phụ.
Và cũng nói luôn là Methylcobalamin là một trong những cách điều trị, chứ không phải là chỉ riêng mình nó điều trị thoát vị đĩa đệm hoặc là bệnh lý viêm dây thần kinh tọa. Như bác Nam Anh nói, làm sao thứ nhất là phải hết chèn ép, với đã thứ hai là giảm viêm, với đã thứ ba là cung cấp nguyên liệu Methylcobalamin cho nó hồi phục. Như vậy là chúng ta đánh được nhiều hướng, bao vây nhiều hướng để đạt được hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên khi nãy bác có nói rằng là có những loại thuốc giảm khả năng thấp thu của Methylcobalamin, nếu mà vậy thì những bệnh nhân nếu mà người ta có bệnh nền, ví dụ như họ có bệnh tiểu đường, vậy thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào?
BS Thế Hiển
Chúng ta kiểm soát liều thôi, chúng ta sẽ kiểm soát liều, tại vì Methylcobalamin chúng ta sẽ có nhiều liều tấn công và nhiều mức tấn công. Nếu là bệnh nhân dùng mà thấy hiệu quả rất kém, chúng ta sẽ tăng liều, bác sĩ sẽ tăng liều dần dần hoặc là giảm liều dần dần. Như vậy, trong giai đoạn tấn công phải được theo dõi bởi bác sĩ.
Methylcobalamin, thực chất đó là thuốc điều trị hay là thuốc bổ, bác cũng nói là nó không có nhiều tác dụng phụ. Vậy thì nếu nó là thuốc bổ thì em cứ uống trước đi giống như bác nói là thực sự loại thuốc đó sẽ góp phần nó bọc lại dây thần kinh thì em uống trước để cho nó đừng có bị nứt ra.
BS Thế Hiển
Methylcobalamin có nhiều mức hạn liều, ví dụ 500mcg hằng ngày, nó là thuốc bổ và chúng ta nên bổ sung hằng ngày để cho chúng ta tái tạo lại những gì chúng ta đã mất trong cơ thể và nó có giúp ổn định màng tế bào chống oxy hóa, đó là vai trò của vitamin B12.
Methylcobalamin là một dạng methy của vitamin B12 dễ hấp thu hơn và như vậy thì chúng ta có thể sử dụng được với sự kê toa của bác sĩ, đó là vitamin B12, đó là thuốc. Và khi có thuốc thì phải cần sự kê toa và nó có những liều 500mcg chúng ta có thể sử dụng hằng ngày. Và thai kỳ chúng ta phải cẩn thận, trẻ em phải cẩn thận chứ không phải là lúc nào chúng ta cũng muốn uống được.
Em thấy là điều trị bằng Methylcobalamin sao mà nó hay quá, mê quá nhưng mà điều là khoảng thời gian điều trị nó có lâu không hay là chỉ cần 1 liệu trình thôi là dứt hẳn, khỏe?
BS Nam Anh
Cái sợi thần kinh tọa mà bị chèn ép lâu rồi đó bắt đầu bị thoái hóa myelin nhiều rồi đó thì cái việc tái tạo trở lại sẽ rất là lâu. Và như vậy thì bác sĩ sẽ phải có 1 liệu trình điều trị lâu dài cho mình mà phải tính bằng tháng chứ không thể nào là 1-2 ngày mà hết được.
Như vậy chúng ta sẽ phân ra 2 giai đoạn là giai đoạn tấn công đầu tiên và giai đoạn tái tạo lâu dài. Và nên nhớ rằng là Methylcobalamin liều cao chỉ là 1 trong số những biện pháp thôi, chứ còn nhiều khi các bạn nghe xong rồi các bạn thấy ờ cái này chắc là đi ra mua cái viên đó về uống là nó hết, không phải như vậy.
Cuộc đời nếu nó đơn giản như vậy, tôi đã không bạc đầu, các bạn nhớ là như vậy. Thành ra các bạn thấy bác sĩ nào cũng đầu bạc hết, bác sĩ Hiển nhỏ tuổi hơn tôi rất là nhiều nhưng mà đầu cũng bạc rồi chẳng qua là đi nhuộm thôi. Thành ra các bạn thấy rằng là để học ra một bác sĩ phải mười mấy năm, chỉ mỗi cái chuyện là học cái cách làm sao sử dụng cái viên thuốc đó thôi.
Thành ra khi mình có bệnh thì mình cứ mạnh dạng đi kiếm ông bác sĩ, khám bệnh cho mình điều trị bệnh cho mình. Thật ra nếu mình không đi kiếm ông bác sĩ thì ông thất nghiệp cũng tội nghiệp, mà ông điều trị cho mình nó tốt thì cũng ok. Thành ra là một lời nhắn nhủ cho bệnh nhân là như vậy.
Rất là cảm ơn hai bác đã đến với chương trình ngày hôm nay và trước khi chia tay với chương trình thì bác Nam Anh sẽ có chia sẻ như thế nào với quý vị khán giả đang tìm hiểu về đau thần kinh tọa cũng như là phương pháp sử dụng Methylcobalamin liều cao, mời bác.
BS Nam Anh
Chúng ta thấy là những người làm việc sai thế, ngồi lâu, khom lưng, khiêng vác nặng thì chúng ta sẽ có nguy cơ, đặc biệt là khi chúng ta tuổi càng ngày càng lớn. Lớn không phải là 70-80 tuổi đâu các anh chị, bắt đầu qua tuổi 35 trở đi các anh chị sẽ thấy cột sống mình đã có vấn đề thì chúng ta giữ tư thế cho nó thật là thẳng, ngồi thẳng lưng, các anh chị nhìn trong quan sát suốt cuộc nói chuyện hôm nay lưng tôi ngồi lúc nào cũng thẳng, các anh chị sẽ thấy tư thế của bác sĩ là như vậy.
Thứ hai nữa là không có khom lưng, không có nằm võng, không ngồi chồm hổm, một lỡ mà mình đã bị thần kinh tọa rồi đó thì mình đi khám và đi khám thì bác sĩ sẽ cho mình phương án điều trị và kể cả phương án phòng ngừa. Và Methylcobalamin liều cao là một trong số những phương án điều trị nhưng mà phải do bác sĩ điều trị chúng ta đừng có tự điều trị. Và nó không chỉ là riêng mỗi cái đó đâu nó còn nhiều những điều trị khác nữa để làm giảm thiểu các nguy cơ cũng như là các triệu chứng thần kinh tọa cho mình.
Và hy vọng với buổi nói chuyện hôm nay thì các anh chị đã hiểu rõ về chuyện viêm thần kinh tọa hoặc là chèn ép thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm là cái gì và các phương án điều trị để làm sao cũng như phòng ngừa nó như thế nào.
Cảm ơn những chia sẻ của bác Năm Anh còn bác Thế Hiển ạ.
BS Thế Hiển
Kính thưa quý vị, qua chương trình ngày hôm nay thì chúng ta biết một trong những nhóm thuốc và các bác sĩ sử dụng đó là Methicobalamin. Nhưng mà nên nhớ là nó chỉ là một, chúng ta đừng có quá thần thánh nó nhưng mà thiếu nó thì cũng không được.
Và chúng ta nhớ những động tác xấu chúng ta nên tránh, ai bỏ ví ở phía sau thì thôi bỏ ví ra phía trước và nếu mà có bọc ví thì thôi bọc ví ít ít thôi, thẻ thôi chứ đừng có cộm quá, cộm quá nếu chúng ta ngồi chúng ta sẽ bị nghiêng, chúng ta bị vẹo đốt sống rồi chúng ta bị chèn cái cơ hình lê, ngoài ra chúng ta còn bị vẹo cột sống nữa. Do vậy thì chúng ta phải chú ý cái tư thế của chúng ta. Điều trị cơ xương khớp đa phần là điều trị tư thế để cho quý vị có cột sống khỏe hơn, khớp tốt hơn và có chất lượng cuộc sống sẽ kéo dài và hạnh phúc.
Dạ vâng ạ, một lần nữa xin cảm ơn bác Nam Anh và bác Thế Hiển đến với chương trình ngày hôm nay.
Và đến đây thì chương trình Alo Doctor xin phép gặp lại. Cảm ơn quý vị đã luôn quan tâm theo dõi chương trình. Xin hẹn gặp lại.