Thời gian qua, tại nước ta, có không ít các trường hợp nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục là trẻ em được các cơ sở khám chữa bệnh phát hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em nói chung, phát hiện và phòng ngừa bạo hành, xâm hại trẻ em nói riêng luôn được Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh quan tâm và chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện.
“Trong thời gian qua, không ít các trường hợp nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục là trẻ em đã được các cơ sở khám chữa bệnh phát hiện và phối hợp với các cơ quan luật pháp xử lý. Để nâng cao hơn nữa hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng tránh bạo lực và xâm hại tình dục ở trẻ em rất cần sự phối hợp liên ngành của các cơ quan tổ chức liên quan và sự phối hợp của chính các khoa, phòng trong bệnh viện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe bà Bernadette J.Madrid, Giám đốc điều hành Quỹ mạng lưới bảo vệ trẻ em của UNICEF trình bày về mô hình dịch vụ một cửa bảo vệ trẻ em trong bệnh viện tại một số quốc gia. Điển hình là tại bệnh viện đa khoa ở Philippines có một nhóm đa ngành gồm: bác sĩ, nhân viên công tác xã hội, bác sĩ tâm thần/chuyên gia tâm lý, điều dưỡng, công an, luật sư để tiếp nhận các trường hợp bị bạo hành và xâm hại và bảo vệ trẻ em…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự phối hợp giữa các dịch vụ công tác xã hội và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em trong bệnh viện; vai trò của phòng công tác xã hội trong tiếp nhận và xử lý trong các vụ việc liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em; sự phối hợp với các đơn vị bên ngoài bệnh viện như công an, luật sư…
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, các bệnh viện cần xem xét và tìm ra một mô hình phù hợp cũng như phát huy hiệu quả vai trò của phòng công tác xã hội để công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em trong các bệnh viện đem lại hiệu quả, góp phần đẩy lùi bạo hành, xâm hại trẻ em.