Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Quang, Trưởng khoa Thận – Nội Tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Đối với những dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, khi có thai phụ huynh nên khám thai định kỳ trong suốt thai kỳ để các bác sĩ sản khoa có thể phát hiện sớm những bất thường và tư vấn cho bác sĩ nhi khoa để tiên lượng diễn tiến bệnh sau khi trẻ chào đời. Điều này giúp chuẩn bị phương án can thiệp và điều trị phù hợp ngay từ sớm.”
Bên cạnh đó, không chỉ dị tật bẩm sinh, trẻ em cũng có thể mắc các bệnh thận do yếu tố mắc phải trong quá trình phát triển. Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh thận ở trẻ, bao gồm: Rối loạn tiểu tiện (tiểu nhiều, tiểu ít, tiểu đau, tiểu ra máu…); cơ thể bị phù nề, đặc biệt là vùng mắt, tay chân; huyết áp cao bất thường; trẻ thường xuyên mệt mỏi, chậm phát triển so với bạn bè cùng trang lứa.
Khi nhận thấy những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám sớm. Việc chẩn đoán kịp thời giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp, giúp bảo vệ chức năng thận của trẻ, hạn chế nguy cơ tiến triển thành suy thận mạn tính.
Nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh thận ở trẻ em, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, đảm bảo trẻ uống đủ nước, hạn chế thực phẩm nhiều muối, đồng thời duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận và hệ tiết niệu.