Anh Lại Hồng Sơn (Quận 12, TP.HCM) là người rất quan tâm tới sức khỏe. Bên cạnh việc tập thể dục, anh còn thường xuyên đi khám định kỳ, bởi ở độ tuổi của anh, nếu có rủi ro bệnh tật sẽ kéo theo gánh nặng kinh tế.
Anh Sơn cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên đi khám sức khỏe. Và qua đợt khám tổng quát này, tôi được phát hiện một số bệnh nền. Từ đó tôi thấy tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe định kỳ.”
Theo khảo sát của McKinsey, năm 2024, 82% người tiêu dùng ở Mỹ, 73% ở Anh và 87% ở Trung Quốc cho biết sức khỏe là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ.


Tại Việt Nam, cụm từ “Sức khỏe là vàng” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Đặc biệt, vượt qua sự ổn định của công việc, sức khỏe đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Bên cạnh xây dựng thói quen tích cực, nhiều người tìm đến bảo hiểm như một giải pháp dự phòng tài chính trước các rủi ro về sức khỏe.
Anh Sơn cho biết thêm: “Tôi tham gia bảo hiểm để dự phòng rủi ro cho ốm đau bệnh tật và để bớt gánh nặng về chi phí y tế.”
Còn đối với chị Nguyễn Thị Hà (Quận 3, TP.HCM), từ 2 năm nay, gần như chị chỉ đi siêu thị mỗi ngày bởi chị muốn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Với chị, đây là giải pháp giúp chị an tâm hơn cho sức khỏe của mình.
Chị Hà chia sẻ: “Dạo gần đây thì tình hình bệnh rất là phổ biến và chi phí y tế thì tăng nên mình có tham gia bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe để 1 phần gọi là dự trù kinh tế.”
Theo khảo sát Asia Care Survey của Manulife Việt Nam, gần 1/3 người được khảo sát trong độ tuổi từ 25-39 cho biết, họ có ý định lựa chọn gói bảo hiểm có mức chi phí cao hơn và có phạm vi bảo hiểm và quyền lợi rộng rãi hơn để dự phòng rủi ro về sức khỏe.


Quan tâm đến sức khỏe không chỉ là sự đầu tư cho bản thân về lối sống mà còn các phương án dự phòng tài chính như bảo hiểm, đây được xem là một sự đầu tư thông minh cho sức khỏe và cuộc sống trước những biến động rủi ro.