Một trường hợp điển hình là bệnh nhi 11 tuổi đã phải điều trị bệnh thận suốt 7 năm, ban đầu, em mắc hội chứng thận hư, nhưng sau nhiều năm điều trị, bệnh tiến triển thành suy thận mạn, buộc phải chạy thận nhân tạo hơn một năm qua.
Gia đình bệnh nhi chia sẻ rằng ban đầu chỉ nhận thấy dấu hiệu bất thường như sưng mí mắt khi ngủ, nhưng không nghĩ đến khả năng con mắc bệnh thận, chỉ đến khi đưa bé đi khám xét nghiệm họ mới biết về tình trạng bệnh của con điều đáng nói là tại bệnh viện, họ nhận ra có rất nhiều trẻ em cũng mắc bệnh thận giống con mình.
Nhiều phụ huynh chưa có nhận thức đầy đủ về bệnh thận ở trẻ, dẫn đến việc không đưa con đi khám tầm soát sớm. Thực tế, suy thận có thể xuất hiện ngay từ khi trẻ mới sinh ra hoặc phát triển dần do các bệnh lý thận không được điều trị kịp thời. Khi bệnh tiến triển nặng, trẻ sẽ phải sống phụ thuộc vào phương pháp lọc máu suốt đời.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Quang, Trưởng khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết “mặc dù lọc máu là một phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều biến chứng. Trẻ có thể bị tán huyết nếu nguồn nước dùng trong lọc máu không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ nhiễm trùng huyết, tụt huyết áp, co giật hoặc chuột rút trong quá trình lọc máu. Vì vậy, kỹ thuật này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng nguồn nước cũng như phương pháp thực hiện.”.
Việc điều trị suy thận phải tuân thủ đúng phác đồ, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, bên cạnh đó phụ huynh cũng cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn uống của trẻ, bởi dinh dưỡng không phù hợp có thể làm quá tải dịch, gây cao huyết áp – yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến biến chứng tim mạch và tăng nguy cơ tử vong. Để bảo vệ sức khỏe con trẻ, các bậc cha mẹ nên chủ động đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là khi trẻ có các dấu hiệu bất thường liên quan đến hệ tiết niệu