Bà Mông Thị Mau, người dân tộc Tày là nhân viên y tế thôn bản, người đã gắn bó với công việc này từ năm 2002 khi vùng đất này còn nhiều khó khăn.
Không khoác áo blouse trắng nhưng bà Mau được xem là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, mang kiến thức sức khỏe đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa.
Bà đi từng nhà nhắc nhở bà con về cách phòng bệnh sốt xuất huyết, kiểm tra chiều cao, cân nặng cho trẻ nhỏ để phát hiện và can thiệp kịp thời tình trạng suy dinh dưỡng.
“Thương người dân thôi, người dân đi lại khó khăn thì mình cũng giúp đỡ người dân, mình giúp đỡ người nào thì mình cũng thấy vui trong bản thân của mình,” bà Mau chia sẻ.
Bà Mau được học khóa quân y sơ cấp và khi từ Cao Bằng vào lập nghiệp ở Tân Thanh, bà đã tình nguyện làm nhân viên y tế thôn với sự nhiệt tình và tận tâm, bà đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của bà con trong thôn.
Trước đây, bà Mau từng đỡ đẻ cho nhiều phụ nữ và tham gia phòng chống sốt rét. Dù những công việc đó giờ không còn, nhưng bà vẫn luôn tận tụy với những nhiệm vụ mới, chăm sóc sức khỏe cho hơn 300 hộ dân trong thôn.
Hình ảnh bà Màu đi bộ qua những con đường đất gập ghềnh, đến từng nhà để thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh và cống hiến của những người làm công tác y tế thôn bản.