Công tác phòng chống HIV/AIDS hiện gặp không ít thách thức. Hàng năm, TP.HCM phát hiện từ 2.000 đến 4.000 người nhiễm mới. Đáng quan tâm hơn là xu hướng người nhiễm trẻ hóa ngày càng tăng. Trong đó, nhóm nam quan hệ đồng giới được xem là nhóm dẫn dắt dịch chủ yếu.
Anh Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM: “Chúng tôi thực hiện những hoạt động truyền thông online. Khi mà truyền thông online thì chúng tôi sẽ có những nơi để tiếp cận với cộng đồng của mình.”
Ngoài nỗ lực thực hiện mục tiêu 95-95-95, 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus ngưỡng an toàn. TP cũng đang hướng đến mục tiêu 95 thứ tư là 95% người sống với HIV có chất lượng cuộc sống tốt với nhiều hoạt động hỗ trợ, cảm bảo công bằng, bình đẳng cho mọi người. Từ đó hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM: “Duy trì BHYT cho tất cả những người bệnh đều được điều trị ARV qua BHYT, là một trong những giải pháp duy trì bền vững, lâu dài.”
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: “Có những người âm tính với xét nghiệm HIV thì có thể được kết nối với các mạng lưới về dự phòng lây nhiễm HIV. Đây cũng là điều trị dự phòng bằng thuốc và rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Có thể tính đến là dự phòng đến 97% nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm lây qua quan hệ tình dục.”
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính, thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Để đảm bảo đầu tư các nguồn lực đầu tư cho phòng chống dịch phù hợp với diễn biến thực tế.