Một sản phẩm đột phá trong lĩnh vực này là miếng băng gạc được làm từ nguồn nguyên liệu thạch dừa, kết hợp với các hợp chất để điều trị bỏng, làm lành vết thương hở, cầm máu, và lành sẹo. Miếng băng gạc này giúp người bệnh mau lành vết thương, tránh nhiễm trùng, dễ dàng sử dụng, và tiết kiệm chi phí đáng kể. Loại gạc này đã được các nhà khoa học và giới chuyên môn đánh giá cao.
PGS. TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết: “Hiện nay, chúng ta thấy rằng có rất nhiều loại băng gạc để điều trị và xử lý vết thương. Tuy nhiên, các băng gạc sử dụng nguồn vật liệu sinh học trong nước vẫn chưa nhiều. Những vật liệu này rất tốt và cần thiết cho việc xử lý các vết thương, giúp vết thương mau lành một cách sinh học tự nhiên.”
Để tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên và giảm chi phí sản xuất, PGS Nguyễn Thị Hiệp cùng các đồng nghiệp ở Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm kiếm các vật liệu từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nhằm tạo ra sản phẩm mang tính ứng dụng cao, dễ đi vào cuộc sống và phục vụ cộng đồng.
PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Tôi có một ước muốn là chế tạo ra các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, mang tính Việt Nam, nhằm nâng tầm nguyên liệu của Việt Nam trên thế giới. Đó là điều thôi thúc tôi trong quá trình làm nghiên cứu về các sản phẩm ứng dụng trong y tế.”
Với đam mê nghiên cứu và sáng tạo không ngại khó khăn, PGS Nguyễn Thị Hiệp đã lựa chọn ngành Kỹ thuật Y sinh từ những ngày đầu khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ. Bằng sự nỗ lực hết mình, cô đã khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng khoa học với hơn 170 giải thưởng trong nước và quốc tế. Đưa ngành Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam phát triển và mở ra một tương lai tươi sáng hơn trong lĩnh vực y tế, mang lại hy vọng và sức khỏe cho mọi người.