Chia sẻ về tình trạng của con mình, chị Thảo (Quận 11) cho biết bé xuất hiện nhiều mụn nước ở miệng và khắp người ban đầu, bé chỉ có những biểu hiện khóc quấy thông thường, khiến gia đình không nghĩ đến bệnh tay chân miệng cho đến khi đưa con đi khám.
Chị Dương Thị Thu Thảo (Quận 11) kể lại: “Bé khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Đến khi bé thức dậy thì mình mới thấy những nốt nhỏ nhỏ, nên sáng hôm sau gia đình vội đưa bé vào bệnh viện khám.”
Nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, không nhận biết được các triệu chứng sớm của bệnh tay chân miệng. Chị Phạm Thị Mỹ Trinh (Quận 6) chia sẻ: “Buổi chiều bé vẫn chơi nhưng bị sốt, đến đêm thì sốt cao hơn và quấy khóc hơn bình thường. Thấy tay chân bé có mấy nốt, em cho bé đi khám thì bác sĩ bảo bị tay chân miệng.”
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang điều trị cho 26 ca tay chân miệng. Số ca nhập viện gia tăng cho thấy mùa bệnh đã chính thức bắt đầu, khiến các bác sĩ không khỏi lo ngại.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đặc biệt lưu ý: “Dấu hiệu thường gặp và đáng tin cậy nhất trong giai đoạn đầu là trẻ sốt cao không hạ và có biểu hiện ngủ giật mình chới với. Đây là hai dấu hiệu quan trọng mà phụ huynh cần phát hiện sớm. Nếu trẻ đang bình thường bỗng dưng sốt cao, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng, cần đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.”
Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã chính thức khuyến cáo người dân về việc bệnh đã bước vào mùa cao điểm.
HCDC kêu gọi các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà cửa và đồ dùng cá nhân sạch sẽ. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh và đưa trẻ đi khám kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.