Xin chào quý vị khán giả của chương trình Alo Doctor. Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về một vấn đề sức khỏe quan trọng đó chính là ung thư cổ tử cung. Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lời kêu gọi hành động mạnh mẽ nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Và mục tiêu đầy tham vọng này đã truyền cảm hứng cho các quốc gia trên toàn thế giới ưu tiên phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị.
Và chỉ 2 năm sau, vào năm 2020, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua một nghị quyết lịch sử ủng hộ chiến lược toàn cầu nhằm tăng tốc loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Và quyết định mang tính bước ngoặt này đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng và những biện pháp cụ thể để cùng hướng tới một tương lai nơi ung thư cổ tử cung không còn là mối đe dọa.
Và ngày hôm nay, chúng ta sẽ có một cuộc trò chuyện về cách mà Việt Nam tham gia cùng với các nước trên thế giới, tích cực đóng góp vào việc thực hiện chiến lược toàn cầu này nhằm mà giảm gánh nặng ung thư cổ tử cung để những giọt sầu không còn rơi. Và hãy cùng ngồi với chúng tôi trong 30 phút của chương trình ngày hôm nay để có được những thông tin hữu ích. Xin chào quý vị, tôi là Vĩnh Trọng.
Xin giới thiệu Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Danh dự Hội Ung Thư Việt Nam.
Bà Katharina Geppert, Giám đốc điều hành MSD Việt Nam.
Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quang Thanh, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
Vâng thưa giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, ngày phát sóng cuộc trò chuyện này cũng là ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới gọi là Ngày hành động giảm thiểu ung thư cổ tử cung. Giáo sư có thể chia sẻ là tại sao ung thư cổ tử cung lại là một gánh nặng đặc biệt đến mức mà Tổ chức Y tế Thế giới phải xếp căn bệnh này thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu?
GS Nguyễn Chấn Hùng. Thật ra thì phải nói rõ hơn là như thế này, không phải tự nó là một cái gánh nặng nhất, tại vì nhiều ung thư khác nó nặng hơn.
Tôi điều trị ung thư cổ tử cung nhiều lắm. Tôi chia sẻ, tôi chia sẻ cái khổ của những người phụ nữ và cái khổ khác là lo cho một gánh nặng gia đình, con nhiều lắm. Mặc dù là ung thư là giết người, nhưng mà hứa hẹn nhiều điều lắm, khi mà ngừa được thì nó là tuyệt vời.
Thành ra cộng mấy điều kiện đó lại mới nói là người ta chú ý và lựa được một cái ung thư để mà đánh bật nó thì là ung thư cổ tử cung.
Vậy thì cái tỷ lệ tử vong của ung thư cổ tử cung nghe ra tỷ lệ có cao không bác?
GS Nguyễn Chấn Hùng. Số liệu trên thế giới, thì người ta nói số người bị, ví dụ như là năm gần đây, năm 2022, thì nó khoảng 600.000 người bị và chết thì khoảng 300.000, tôi nói chung chung thôi. Nó gây chết người, tuy nhiên, nó có cái nặng theo kiểu khác, là cái kiểu trị được, biết được nhiều tiến bộ, mà không vận dụng, để đến đó thì rất là uổng.


Quả thật là có rất nhiều những gánh nặng đặt lên vai bản thân người bệnh, cũng như gia đình và xã hội. Thưa Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quang Thanh, là người đã có rất nhiều những năm kinh nghiệm trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Bác sĩ có thể chia sẻ thêm những câu chuyện đáng nhớ về bệnh nhân ung thư cổ tử cung.
TS. BS Lê Quang Thanh. Cũng tiếp theo lời của thầy Hùng, phải nói quả thật là ung thư cổ tử cung, nó cũng là một cái gánh nặng. Trong suốt cả quá trình chúng tôi làm trong ngành chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, cho nên cái sứ mệnh của chúng tôi là làm sao mà dự phòng, làm sao mà chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ tốt nhất.
Thì có những trường hợp mà chúng tôi hết sức là đáng tiếc, đó là những người phụ nữ đang ở trong một giai đoạn rất là hạnh phúc, có một gia đình rất là hạnh phúc, hoặc là thậm chí có những người phụ nữ mang thai đầu lòng, đang hân hoan chờ đón điều hạnh phúc thì tình cờ chúng tôi phát hiện ra là bị ung thư cổ tử cung. Thì đối với những trường hợp như vậy, phải nói là nó kinh khủng đến như thế nào. Có thể là cái tương lai sản khoa của họ, họ không còn được làm thiên chức làm mẹ nữa. Cũng có thể là họ hy sinh luôn cả cái hạnh phúc, gia đình có thể tan vỡ. Nói chung là mọi việc của cuộc sống thay đổi, và thậm chí là sức khỏe và tính mạng cũng bị đe dọa. Cho nên chúng tôi trong những trường hợp đó, chúng tôi rất là xót xa, chúng tôi rất là tiếc, phải chi mà các biện pháp dự phòng mà họ áp dụng được tốt, thì có lẽ là câu chuyện đã không xảy ra một cách đau lòng như vậy.
Và cái việc chúng ta dự phòng, bao giờ cũng là một mối quan tâm hàng đầu, tốt hơn nhiều so với việc chúng ta điều trị bệnh. Riêng đối với ung thư cổ tử cung, thì chúng ta rất may mắn, là chúng ta có được đầy đủ các phương tiện dự phòng hơn các loại ung thư khác. Chúng ta có các biện pháp sàng lọc, tầm soát, phát hiện sớm. Và may mắn vô cùng là nếu như trường hợp ung thư cổ tử cung mà chúng ta phát hiện ở giai đoạn sớm, ở giai đoạn sang thương tiền ung thư, chúng ta có thể chữa khỏi hoàn toàn. Và người đó có thể có một cuộc sống hết sức bình thường và hạnh phúc. Do đó thì phải nói là cái nỗ lực của ngành y tế, và đặc biệt là ngành chúng tôi, và ngành ung thư của thầy, thì luôn luôn nhắm đến mục tiêu là dự phòng.
Cảm ơn bác sĩ. Vâng thưa bà Katharina Geppert, MSD tại Việt Nam là tổ chức có đóng góp rất lớn trong cuộc chiến chống ung thư trên toàn cầu, và trong đó có Việt Nam. Chúng tôi rất muốn nghe những chia sẻ của bà trong vai trò là một người phụ nữ, và cũng trong vai trò là đại diện cho tổ chức MSD tại Việt Nam. Xin mời bà.
Bà Katharina Geppert. Cảm ơn bạn. Ung thư cổ tử cung là một gánh nặng sức khỏe toàn cầu vì nó ảnh hưởng đến phụ nữ một cách nghiêm trọng đặc biệt với những người có tiếp cận hạn chế với hệ thống chăm sóc sức khỏe và các biện pháp phòng ngừa.Và tất nhiên, như các thầy đã chia sẻ sẽ càng đau lòng hơn khi căn bệnh này thực sự có thể phòng ngừa được. Và đây là 3 tác động của ung thư cổ tử cung mang tính toàn cầu.
Đầu tiên, tất nhiên là gánh nặng sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 350.000 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung hàng năm. Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ chất lượng cuộc sống của người phụ nữ như sự đau đớn về thể chất, căng thẳng về cảm xúc hay là mất đi khả năng sinh sản.
Thứ hai là gánh nặng tài chính. Một khi bạn mắc ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở giai đoạn tiến triển, thì việc điều trị khá tốn kém. Nó đặt một gánh nặng tài chính đáng kể lên cá nhân và cả hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bệnh tật có thể khiến họ phải nghỉ làm việc.Nghĩa là nó không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.
Và thứ ba, chúng ta không thể không nhắc tới những tổn thương về mặt cảm xúc và tâm lý mà ung thư cổ tử cung có thể gây ra. Bởi vì hầu hết phụ nữ phải quản lý gia đình, nên khi bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung, họ có thể rất lo lắng, trầm cảm, sợ hãi, ảnh hưởng trực tiếp tới không khí của cả gia đình. Vì vậy, việc điều trị, phẫu thuật, hóa trị có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến diện mạng cơ thể cũng như lòng tự trọng của họ. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải hành động.


Thưa giáo sư Nguyễn Trấn Hùng ạ. Vậy thì đâu là những chiến lược quan trọng để chúng ta có thể giảm thiểu gánh nặng ung thư cổ tử cung tại Việt Nam?
GS Nguyễn Chấn Hùng. Thập niên 80, tôi điều trị ung thư cổ tử cung rất nhiều. Nhưng hình ảnh là sao? Ung nào nhiều nhất ở người phụ nữ? Ung thư cổ tử cung. Lúc đó là tỷ lệ khoảng 30/100.000 người phụ nữ, nhiều đến vậy. Ung thư vú thì thấp hơn nhiều.
Mà đến bây giờ, tôi theo dõi từng năm của Tổ chức Thế giới thống kê là sao? Giảm xuống, giảm xuống, giảm xuống. Đến bây giờ, nó sau ung thư vú. Thứ 2, nó sau ung thư phổi phụ nữ. Rồi tới sau luôn ung thư đại trực tràng. Nó hạng 7, rồi giờ tới hạng 11 của phụ nữ thì điều đó đáng mừng lắm, đáng mừng lắm.
Chuyện tức cười tôi dạy ở trường y khoa thì có người khóc khóc với tôi nói rằng là bị ung thư là bị trời phạt. À, bị trời phạt, cái đau khổ không ai trách. Tôi nói, bậy nè, bậy nè, nó do cái con virus. Ở trước mà nói ung thư do virus thì không ai tin hết. Nhưng mà nhà khoa học nghiên cứu chỉ ra là HPV gây ra ung thư cổ cung thật sự và sau đó năm 2008 thì ông được giải Nobel. Điều đó không thể mà ai từ chối được, nó là tin mừng.
Thứ hai, thời gian sau làm ra được vaccine. Nó là một cái mấu chốt trong cái chống bệnh ung thư đó, tìm ra nguyên do và tìm được vaccine, rất cụ thể, rất hay.
Có thể thấy đó đúng là hai điểm mấu chốt quan trọng nhất để chúng ta biết được nguyên nhân gây bệnh và chúng ta có được phương pháp để trị bệnh. Nhưng mà cái quãng đường để mà những người phụ nữ và gia đình của họ có thể ý thức, có được thông tin và hiểu rõ về căn bệnh mà mình đang trải qua thì nó cũng phải là một quá trình khá là dài bằng nỗ lực của ngành y tế để có thể phổ cập thông tin.
Vậy thì xin hỏi Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quang Thanh, tại Bệnh viện Từ Dũ, nơi mà chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn những phụ nữ. Vậy thì thưa bác, cái việc mà hàng ngày các bác sĩ phải nỗ lực như thế nào để có thể phổ cập thông tin và giúp cho các chị em phụ nữ hiểu đúng về căn bệnh này để họ có thể chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị.
BS Lê Quang Thanh. Đúng là đúng như thầy nói và cũng đúng như là anh nói là hiện nay thì cái công cụ để mà dự phòng, để mà điều trị ung thư cổ tử cung là hiệu quả rất là cao. Và rất may mắn là ở nước ta thì thế giới có gì, nước ta có đó. Hiện nay chúng ta có đầy đủ phương tiện nhưng mà để đạt được mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung đó thì câu chuyện không đơn giản. Nó không còn phụ thuộc vào sự hiện đại của khoa học, mà nó phụ thuộc vào nhận thức của người dân đối với các biện pháp, đặc biệt là đối với vaccine và đối với các phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm.
Thì hiện nay, mặc dù nỗ lực rất nhiều nhưng mà cái độ bao phủ trong cộng đồng nó vẫn còn rất thấp. Ví dụ như đối với tiêm ngừa vaccine thì cái độ phủ chỉ xoay quanh khoảng độ dưới 15%. Còn đối với sàng lọc phát hiện sớm thì cũng chỉ đối khoảng dưới 25%. Trong khi nếu mà theo khuyến cáo thì cái độ bao phủ nó phải đạt ít nhất là 70% trong cộng đồng. Cho nên cái con đường của chúng ta còn dài lắm và cái con đường đó thuộc về con đường là nhận thức.
Cho nên cái nỗ lực của ngành y chúng tôi là cố gắng làm sao đưa các thông tin đến cho người dân và những thông tin chính xác. Và đặc biệt là những thông tin đó nó phải thay đổi được nhận thức của người dân. Thay đổi nhận thức rồi mà nó còn phải dẫn đến cái hành động nữa. Bởi vì có thể là có kiến thức rất là tốt nhưng mà không chịu đi tiêm. Có kiến thức rất là tốt nhưng mà không chịu đi khám phụ khoa.
Cho nên là cái nỗ lực của chúng tôi vẫn là cái nỗ lực làm sao mà đưa được cái độ phủ, cái độ bao phủ của vaccine và các phương pháp sàng lọc trong cộng đồng càng lúc mà càng trở nên là bình thường, càng trở nên rộng rãi. Thì đó là mục tiêu của ngành chúng tôi và cái chặng đường như những nước đang phát triển để có thể tuyên bố rằng mình loại trừ được ung thư cổ tử cung là một con đường còn rất là dài.


Dạ, vâng. Xin cảm ơn bác sĩ.
GS Nguyễn Chấn Hùng. Ung thư ngừa được chị ơi, O hờ bệnh nhập đổ là trời kêu. Phải nói rằng không phải trời kêu, tại con người. Bây giờ cái mạng lưới khám đó, xét nghiệm đó, nó rãi khắp. May thay ở Việt Nam mình phải nói rằng mình không phải là nước giàu về kinh tế, nhưng mà cũng không phải là nước nghèo lắm thì người ta có cái nhận thức càng ngày càng tốt.
Tôi khen, rất thích cái mạng lưới mà phụ khoa, khám phụ khoa khắp nơi, giờ phụ nữ ai cũng biết hết. Sáu tháng đi khám phụ khoa mà nhờ bác sĩ kiểm tra giùm, cái điều đó hay lắm, không nghe đơn giản, bây giờ nó là được là như vậy. Cho nên chúng ta thấy đây là cơ hội ở nước mình cùng với thế giới là dẹp được nó, đánh đuổi nó theo chương trình của thế giới. Chứ các nước như ở châu Phi xa ra rồi, tội nghiệp khổ lắm, muốn làm gì làm không được như mình đâu. Cho nên bà con phải phấn khởi và biết những cái điều này để mà góp phần.
Cảm ơn bác. Như quý vị và bà cũng có thể thấy là các bác sĩ, những người trực tiếp đang chữa trị hàng ngày các bệnh nhân, họ cũng có những nỗ lực riêng trong việc đưa ra những khuyến cáo và những hướng dẫn y tế trực tiếp đến mỗi người bệnh. Nhưng bên cạnh đó, khi chúng ta nói tới những câu chuyện về sức khỏe cộng đồng, cũng cần có một sự nỗ lực rất lớn của các tổ chức y tế. Vậy thì xin hỏi là với góc nhìn của MSD thì có những chương trình hỗ trợ hay có những chính sách cụ thể nào để cùng đồng hành với các bác sĩ và những tổ chức y tế tại Việt Nam để có thể đưa những thông tin này đến gần gũi hơn với người dân ạ?
Bà Katharina Geppert. Cảm ơn bạn vì những thông tin này. Kể từ năm 2019, MSD đã có cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Bộ Y tế cũng như Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc để có những hợp tác kỹ thuật nhằm thực hiện chương trình dự phòng HPV và phòng ngừa ung thư cổ tử cung tại Việt Nam và chúng tôi đã tài trợ cho dự án này gần nửa triệu đô la.
Mục đích của sự hợp tác này là hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chương trình dự phòng HPV tại Việt Nam để chúng tôi có thể tạo ra bằng chứng chất lượng rằng nó hiệu quả, rằng nó giúp giảm thiểu ung thư cổ tử cung cho phụ nữ Việt Nam.Và sau đó để phát triển các chính sách và chương trình giải quyết gánh nặng của các bệnh liên quan đến HPV cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng chương trình dự phòng HPV tại Việt Nam.
Tất nhiên luôn có những ưu tiên trong lĩnh vực y tế địa phương. Sau này khi xảy ra Covid, đại dịch đã thay đổi những ưu tiên đó một cách mạnh mẽ. Nhưng tôi nghĩ bây giờ HPV và ung thư cổ tử cung đang trở lại chương trình nghị sự của chính phủ. Sự hợp tác này bao gồm truyền thông tích cực, vận động, chia sẻ thông tin rằng ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa được để chúng tôi có thể khuyến khích các bên liên quan ở cấp quốc gia và cả cấp địa phương thực sự hành động và hỗ trợ để mọi người ở Việt Nam đều có thể tiếp cận được vắc xin.
Vậy thì từ những chiến lược cụ thể đó thì MSD, cụ thể là MSD Việt Nam đã có những thành tựu gì trong việc bảo vệ sự sống cho phụ nữ ở Việt Nam từ căn bệnh ung thư cổ tử cung?
Bà Katharina Geppert. Chúng tôi đã cung cấp vắc xin phòng ngừa HPV tại Việt Nam trên toàn bộ nhóm tuổi. Chúng tôi cũng đang đầu tư rất nhiều không chỉ để hợp tác với chính phủ mà còn để nâng cao nhận thức đội ngũ y bác sĩ. Mỗi năm chúng tôi tổ chức hơn 100 sự kiện khoa học để đảm bảo rằng các bác sĩ cũng hiểu rõ những điều mà họ đang khuyến nghị cho bệnh nhân. Và tôi nghĩ chúng ta đã thấy tỷ lệ dự phòng tăng lên nhưng với mức rất thấp.
Vì vậy, như bạn đã nói là vẫn còn nhiều thứ để cải thiện. Tất nhiên, chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được mức độ dự phòng tương tự như một số quốc gia láng giềng hoặc các nước đã phát triển.
Riêng cá nhân tôi, vì tôi là một người phụ nữ thuộc nhóm tuổi cũng cần được bảo vệ khỏi HPV nên tôi cũng rất tự hào về những gì mà MSD đang làm trên toàn thế giới để hỗ trợ cho tầm nhìn lớn lao của cá nhân loại trong việc loại bỏ ung thư cổ tử cung.
Cảm ơn bà. Vâng, thưa Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quang Thanh, ở Bệnh viện Từ Dũ thì sao ạ? Bác có thể chia sẻ thêm những tác động của chương trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đang được thực hiện và triển khai tại Bệnh viện Từ Dũ.
BS Lê Quang Thanh. Ở Bệnh viện Từ Dũ thì chúng tôi là một quy trình rất là hoàn chỉnh và đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ và bây giờ là các bé gái hoặc các bé trai dễ dàng tiếp cận với vaccine. Và đặc biệt là những người phụ nữ dễ dàng tiếp cận các biện pháp sàng lọc mà các bác sĩ khuyến cáo.
Và hiện nay là chúng ta có các chương trình sàng lọc rất hiệu quả kết hợp với chương trình vaccine cũng như các biện pháp điều trị sớm trong những cái sang thương ung thư cổ tử cung hoặc là ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thì chúng ta có cái hiệu quả điều trị rất là cao.
Cho nên tại Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi nỗ lực vẫn là tuyên truyền cho cộng đồng về cái nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho người khi mà tiếp cận hệ thống chúng tôi dễ dàng có thể được tiêm ngừa, có thể được sàng lọc, có thể được điều trị.
Thưa Giáo sư Hùng, thì từ kinh nghiệm của bác trong mấy chục năm qua khi mà điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, bác có thêm 1 vài gợi ý gì khác để mà khuyến khích mọi người, đặc biệt là phụ nữ mà phụ nữ trẻ có thể sớm tìm đến những biện pháp y tế để có những cách điều trị sớm hơn?
GS Nguyễn Chấn Hùng. Chiến lược của Tổ chức Y thế Thế giới tôi phải nói là bái phục và tâm đắc. Đây là cái loại ung thư gom đủ các điều kiện thuận lợi để mình giải quyết nó và phải dùng chữ là chiến lược đánh đổ nó luôn. Cái ngừa được ung thư phải lấy đây làm thí vụ, 15 tuổi các cháu gái 90% phải được tiêm. Thứ hai, là 70% người phải đi thử các xét nghiệm thì là 35 tuổi, rồi 40 tuổi thử, cái đó bổ sung cho phương pháp khác, nó chắc để tìm ra những cái tổn thương mà chưa là ung thư, chớm là ung thư thôi và những cái ung thư rõ mà mới gọi là tiền ung thư, cái nữa là ung thư thật mà nó còn sớm thì những cái đó phải được điều trị.
Cho nên bây giờ tầm tay Tổ chức Y tế Thế giới nêu chiến lược toàn diện mà có tính khả thi vô cùng. Tôi là người tham gia điều trị, theo dõi người bệnh đau khổ, thì phải nói bây giờ tôi ngẩn ngơ về cái tiến bộ toàn thể các mặt để chống loại ung thư này, nói rằng có thể đánh đổ nó, phải dùng chữ đó, có thể đánh đổ được. Mà như ông thầy tôi, ông thầy nói nếu bị ung thư thì tôi chọn ung thư cổ tử cung. Và giờ tôi có câu thơ Ung thư biết sớm trị lành Nếu mà để trễ dễ thành nan y. Dễ thành thôi chứ không cứ thành nan y đâu, tại có những phương pháp tốt hơn nữa. Sao cho nhẹ gánh ung thư Người người chung sức, chung lòng mới xong.
Ung thư cổ tử cung, tiêu chuẩn đặt là 2030 đánh nó văng, bức tranh phòng, trị là có phương pháp hết, Bức tranh phòng trị ung thư Thêm màu tươi sáng Thêm người tươi vui, tôi xin hết.
Đúng là cái bức tranh đó ngày càng tươi sáng hơn. Theo dữ liệu, ung thư mới nhất vừa được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế Globocan công bố năm 2022, ung thư cổ tử cung ở Việt Nam hiện nay đã xuống hàng thứ 11 như bác sĩ đã có chia sẻ. Và cũng chính nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Hội Ung thư Việt Nam, của Bệnh viện Từ dũ và MSD Việt Nam, cùng với hàng ngàn cá nhân và các tổ chức khác đã góp phần làm nên thành công ban đầu cho Việt Nam.
Và hướng tới tương lai Việt Nam cũng mong muốn giảm số ca tử vong do ung thư cổ tử cung gây ra xuống tới 300.000 ca vào năm 2100. Điều đó có nghĩa là 300.000 người phụ nữ Sẽ được bảo vệ mạng sống và điều đó cũng có nghĩa là để những giọt nước mắt không còn rơi nữa trong mỗi gia đình. Và đó cũng là lý do ngày hôm nay chúng ta có cuộc trò chuyện này.Bằng một câu ngắn gọn nhất đi ạ, Xin mỗi vị khách mời chia sẻ điều mà quý vị tâm đắc nhất trong việc bảo vệ sự sống cho những người phụ nữ Việt Nam trước nguy cơ ung thư cổ tử cung. Xin mời bác Thanh trước.
BS Lê Quang Thanh. Chúng tôi chăm sóc sức khỏe phụ nữ, ngành chúng tôi có một câu là Người phụ nữ dù là đang khỏe mạnh thì cũng hàng năm nên đi khám phụ khoa và sàng lọc các bệnh lý liên quan đến phụ khoa ít nhất là một năm một lần.
Xin mời Giáo sư Hùng ạ.
GS Nguyễn Chấn Hùng. Tôi thì nói mấy câu thơ, thơ vè thôi là không phải chỉ ung thư cổ tử cung nhưng mà nó là một cái điểm để hứa hẹn nhiều, Sao cho nhẹ gánh ung thư, nhẹ là nhẹ tất cả các loại ung thư thì Người người chung sức, chung lòng mới xong, đó là một cái. Thứ hai là đừng có bi quan.
Xin mời bà.
Bà Katharina Geppert. Để bảo vệ phụ nữ Việt Nam khỏi ung thư cổ tử cung, điều quan trọng là chúng ta cùng nhau nâng cao nhận thức và đảm bảo tiếp cận với việc dự phòng HPV giúp ngăn ngừa căn bệnh này và bảo vệ sức khỏe của chị em.
Vâng thưa quý vị, hy vọng là tọa đàm ngày hôm nay cũng đã mang lại nhiều thông tin giá trị và qua đó chúng ta cũng đã thấy được những tiến bộ trong cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung của Việt Nam, mục tiêu chung là giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung gây ra. Và qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể cho người phụ nữ Việt Nam. Và chúng tôi hy vọng rằng sẽ có một thế hệ tiếp nối để những ngày sau này tất cả sẽ có thể chia sẻ rằng mẹ của họ đã không còn bị ung thư cổ tử cung đe dọa nữa. Nhờ ngày hôm nay chúng ta đã có thêm những sự hiểu biết và chung sức làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống và qua đó những giọt nước mắt sẽ không còn rơi mà chỉ còn những nụ cười mà thôi. Một lần nữa xin được cảm ơn tất cả các vị khách mời.