Hiện nay, dịch cúm mùa đang có những diễn biến phức tạp với số ca mắc gia tăng nhanh chóng. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng nặng cũng có xu hướng gia tăng, bao gồm viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não và nhiễm trùng huyết. Trước tình hình này, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine cúm mùa để phòng tránh bệnh hiệu quả.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi, tiêm 2 mũi cắt nhau ít nhất là 1 tháng và tiêm nhắc 1 mũi hàng năm.Trẻ từ 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi và mỗi năm nhắc lại 1 lần.
Tại sao mình phải nhắc lại việc tiêm cúm hàng năm? Đầu tiên là chủng virus gây cúm sẽ thay đổi liên tục mỗi năm. Thứ hai là hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, thường hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm sau khi tiêm là dưới 1 năm.
Các bác sĩ cho biết đây là quan niệm cơ thể vừa bị cảm lạnh hay bị cúm xong thì cơ thể đã có kháng thể không cần tiêm vaccine là sai lầm và khuyến cáo sau khi nhiễm cúm nếu người dân thấy cơ thể đã ổn định và khỏe mạnh thì nên đi tiêm chủng.
Tiêm vaccine cúm sẽ giảm được từ 60-70% nguy cơ mắc bệnh cúm. Đồng thời cũng giảm được từ 70-80% các trường hợp cúm biến chứng nặng. Trong giai đoạn sau tiêm, cơ thể có thể xuất hiện các tác dụng phụ như là sốt, nhưng đây là biểu hiện bình thường cho thấy cơ thể đang đáp ứng miễn dịch.
Khi có thể việc tiêm chủng không bao giờ muộn, người dân nên chọn những cơ sở y tế uy tín, đảm bảo tuân thủ quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế.
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, sưng họng hoặc sưng mặt, buồn nôn, chóng mặt thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.