Theo thông tin từ Khoa Niệu học chức năng của Bệnh viện Đại học Y Dược, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trường hợp viêm bàng quang mạn tính, gây co rút bàng quang do hậu quả của việc sử dụng ketamine. Tình trạng này dẫn đến rối loạn chức năng đường tiết niệu dưới, đặc biệt là rối loạn chức năng chứa đựng nước tiểu, một vấn đề rất thường gặp ở những người sử dụng ketamine trong thời gian dài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Ân, chuyên gia tại Khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Thường thường là tuổi thanh thiếu niên, họ đến với chúng tôi vì những tình trạng triệu chứng giống như là viêm bàng quang vậy nhưng mà sao mà khó điều trị lắm. Họ trị hoài mà có thể có bớt, có thể không bớt rồi lại bị đi vì lại, có thể nhiều tháng hoặc nhiều năm trời.”
Ketamine, vốn là một loại thuốc gây mê được sử dụng trong y tế, đang bị một bộ phận giới trẻ lạm dụng như một loại “ma túy vui” nguy hiểm. Những ảo giác và cảm giác hưng phấn nhất thời mà nó mang lại đã che mờ đi những tác hại khủng khiếp mà nó âm thầm gây ra cho cơ thể, trong đó hệ tiết niệu là một trong những cơ quan chịu tổn thương nặng nề nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Ân giải thích thêm về tác động của ketamine lên bàng quang: “Cái bàng quang bình thường của mình là khoảng 400cc, ít nhất cũng cỡ trên 300cc, thì mình mới chứa đựng khoảng 3-4 tiếng mình đi tiểu một lần. Còn nếu cái bàng quang nó viêm nó co nhỏ lại, nó co có khi còn chừng trăm thậm chí 50cc thôi thì họ đi tiểu rất nhiều lần. Có những người 15 phút đi lần, 15 phút đi 1 lần quá khổ sở, mà đâu lại còn khổ sở hơn nữa tức là ngồi ôm bụng không à.”
Những tổn thương do ketamine gây ra cho hệ tiết niệu không chỉ gây ra những bất tiện lớn trong cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng dù tổn thương do ketamine gây ra là nghiêm trọng, nhưng với sự can thiệp y tế kịp thời và phương pháp điều trị đúng đắn, người bệnh vẫn có cơ hội phục hồi.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo nếu phát hiện bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu của viêm bàng quang kèm theo tiền sử lạm dụng ketamine, cần nhanh chóng đến ngay các bệnh viện có chuyên khoa niệu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.