Hiện nay, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số toàn cầu theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đang gia tăng, đặc biệt ở phụ nữ sau sinh và những người đã đối mặt với áp lực cuộc sống. Trong khi đó, tình trạng lo âu đang gia tăng đáng kể ở người trẻ, phần lớn bắt nguồn từ áp lực và kỳ vọng từ gia đình, đặc biệt là sự chỉ trích hoặc thiếu thấu hiểu từ cha mẹ. Trầm cảm và lo âu là rối loạn tâm thần phổ biến, có thể xuất phát từ căng thẳng kéo dài, mất công bằng thần kinh, di truyền, lối sống không lành mạnh hoặc áp lực cuộc sống. Nếu không được điều trị, cả hai có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe và cuộc sống.
Nếu bệnh nhân lâu ngày không được điều trị, sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân. Bệnh nhân không thể làm việc nổi, bệnh nhân không dám ra ngoài, và cũng không muốn tiếp xúc với ai. Bệnh nhân hay quên, mất tập trung. Và nhiều vấn đề không được can thiệp điều trị sớm, dẫn đến biểu hiện bệnh nhân có suy nghĩ, hành vi tiêu cực.
Do đó, sự thấu hiểu và hỗ trợ từ gia đình cùng việc phát hiện và điều trị kịp thời bằng các liệu pháp y tế là chìa khóa giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, nâng cao khả năng phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trầm cảm và lo âu là những rối loạn tâm thần phổ biến, nhưng không phải ai cũng biết cách ứng phó và điều trị đúng đắn. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả nhất để giúp người bệnh vượt qua? Hãy cùng lắng nghe ý kiến từ chuyên gia để hiểu rõ hơn.
Điều trị trầm cảm và lo âu phụ thuộc vào mức độ bệnh. Trường hợp nhẹ có thể cải thiện bằng hỗ trợ tâm lý, trong khi trường hợp nặng đề hỏi kết hợp cả thuốc và liệu pháp chuyên sâu.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Hạnh, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Liệu pháp tâm lý, trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân mới bị chớm từ những dấu hiệu ban đầu, thì gặp các nhà tâm lý, thì họ sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân biết được vấn đề của mình, nhận biết được thì điều chỉnh, cân bằng lại. Ví dụ như tập thể dục, không để áp lực công việc quá sức, ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp, tập yoga, thiền, … thì dần dần nó sẽ đỡ hơn.
Trường hợp đến vừa, nặng rồi, năng lượng chức năng sống, là bệnh nhân lúc nào cũng cảm giác lo sợ, không kiểm soát được vấn đề lo lắng của mình. Rồi ăn không được, ngủ cũng không được, mệt mỏi, chán nản, cảm giác kiệt sức, mất hết năng lượng, thì lúc đó là phải phối hợp cả hai.”


Để phòng ngừa và hỗ trợ hiệu quả, một cá nhân cần duy trì lối sống cân bằng, dành thời gian thư giãn sau giờ làm việc để giảm căng thẳng. Đồng thời, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ tinh thần, giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn và phục hồi sức khỏe.