Các bệnh nhân thường gặp 3 dạng rối loạn nhịp tim: nhịp tim quá nhanh, nhịp tim quá chậm, hoặc nhịp tim không đều, lúc nhanh lúc chậm.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Khanh (Trưởng khoa Loạn nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM) chia sẻ “Bệnh nhân có thể lên cơn nhịp nhanh kịch phát đột ngột nhịp tim có thể lên đến 150-250 lần 1 phút. Bệnh nhân có những cơn hồi hộp, lo âu, khó thở, tức ngực, rất là nhịp chậm. Bình thường nhịp tim khi nghỉ ngơi, ở người trưởng thành là khoảng từ 60-100 lần 1 phút. Thì những bệnh nhân này có thể nhịp tim dưới 50-40 hoặc là chậm hơn nữa. Dẫn đến những triệu chứng như bị mệt mỏi, uể oải, choáng váng, có những cơn ngất.”
Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra từng thoáng chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Do các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc gây hiểu lầm bởi các bệnh khác, khiến bệnh nhân chủ quan, không đi kiểm tra, dẫn tới lúc vào viện thì đã trễ.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Khanh nói thêm “Đến khi có những hậu quả xảy ra sau này giống như là tình trạng suy tim hoặc tình trạng đột quỵ, đột quỵ não hoặc đột quỵ do tim. Rối loạn nhịp thất hoặc là trung thất dẫn đến cơ thất bóp không đủ lượng máu đi. Bệnh nhân có thể vào sốc tim hoặc là ngừng tim. Còn đột quỵ não là do cục máu đông trong tim. Bệnh nhân rung nhĩ nếu đôi lúc bệnh nhân không kiểm tra được, thì sau đó nguy cơ đột quỵ của bệnh nhân tăng gấp 5 lần so với người bình thường.”
Rối loạn nhịp tim không phân biệt độ tuổi có thể gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị sớm.Vì vậy, tầm soát tim mạch định kỳ, khám sức khỏe thường xuyên cực kỳ quan trọng trong việc phòng bệnh, nhất là ở người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.