Theo PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, đột quỵ không phải là một sự kiện bất ngờ hay ngẫu nhiên mà xảy ra. Thực tế, hơn 90% trường hợp đột quỵ đều có nguyên nhân cụ thể. Các bệnh lý tiềm ẩn nếu không được kiểm soát hoặc theo dõi thường xuyên có thể dẫn đến đột quỵ trong tương lai.
Vì vậy, khi nhắc đến tầm soát đột quỵ, điều quan trọng là cần tập trung vào các yếu tố nguy cơ chính.
Một số yếu tố có tỷ lệ ảnh hưởng cao bao gồm: cao huyết áp (90%), rối loạn chuyển hóa lipid (60%), tiểu đường (20-30%), hút thuốc lá (trên 50%) và các bệnh lý tim mạch như rung nhĩ.
Việc tầm soát nên hướng đến những đối tượng có nguy cơ cao hoặc có tiền sử bệnh lý liên quan, đối với những người hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường, chỉ cần thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu và khám tim mạch là đủ để đánh giá nguy cơ.
Không nhất thiết phải lựa chọn các gói tầm soát đắt tiền, vì điều này có thể gây ra tâm lý hoang mang không cần thiết.
Như vậy, để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.