Tại sao cần tiêm ngừa HPV?
Theo bác sĩ CKII Hồ Xuân Phúc, Bệnh viện An Sinh TP.HCM, HPV có hơn 100 tuýp khác nhau, trong đó có một số tuýp nguy cơ cao. Khi cơ thể nhiễm HPV, khả năng tự đào thải virus qua hệ miễn dịch là khoảng 80%. Tuy nhiên, với những virus tuýp nguy cơ cao, nếu tồn tại lâu trong cơ thể, nó có thể biến đổi và gây ra các tổn thương tiền ung thư và ung thư.
Việc tiêm ngừa, giúp cơ thể tạo ra kháng thể mạnh mẽ hơn nhiều so với miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm bệnh. Điều này giúp bảo vệ cơ thể hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro mắc bệnh ung thư do HPV gây ra.
Sự khác biệt khi tiêm ngừa HPV ở tuổi dậy thì và người trưởng thành?
Bác sĩ Hồ Xuân Phúc cho biết, khuyến cáo tiêm ngừa HPV từ 9 đến 26 tuổi là có lý do. Độ tuổi từ 9 đến dưới 15, hệ miễn dịch đang phát triển mạnh mẽ, chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine là đủ. Việc tiêm sớm giúp cơ thể trẻ em tạo ra kháng thể từ khi còn nhỏ, sẵn sàng bảo vệ khi bước vào tuổi có quan hệ tình dục. Ở lứa tuổi này, kháng thể tạo ra rất mạnh mẽ.
Ngược lại, với người trưởng thành, đặc biệt là từ 15 tuổi trở lên, việc tiêm ngừa cần thực hiện đủ 3 mũi. Đối với những người đã có quan hệ tình dục hoặc từng nhiễm HPV, kháng thể tự nhiên không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể. Chính vì vậy, việc tiêm ngừa vẫn cần thiết để đảm bảo an toàn.
Phụ nữ đã sinh con có cần tiêm ngừa HPV?
Nhiều người thắc mắc liệu phụ nữ đã sinh con có cần tiêm ngừa HPV hay không. Bác sĩ Hồ Xuân Phúc nhấn mạnh rằng việc sinh con không ảnh hưởng đến hiệu quả phòng ngừa HPV. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi cho phép, nếu chưa tiêm ngừa, đều nên đi tiêm. Dù đã có quan hệ tình dục, đã sinh con, hoặc đã từng nhiễm HPV, việc tiêm ngừa vẫn rất cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

