Theo Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, hiện 2 trên 5 trường hợp mắc sởi đã xuất viện, sức khỏe ổn định và không để lại di chứng. Các bệnh nhi còn lại vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa. Tuy nhiên, nếu mắc sởi và không được điều trị kịp thời, sẽ rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
BS. CKI Nguyễn Thị Kim Tuyền, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết: “Về mức độ nguy hiểm thì sởi là một trong những bệnh nguy hiểm có tính lây lan, có thể lây thành dịch lớn. Khi mà người bị nhiễm bệnh thì sẽ bị suy giảm miễn dịch nên có thể có những biến chứng nặng. Trong đó, những biến chứng thường gặp nhất là có thể là viêm phổi, viêm phổi kéo dài, viêm não, viêm tai hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong.”
Theo các bác sĩ, các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi có thể kể đến như sốt, ho, chảy nước mũi, đốm trắng bên trong miệng. Đặc trưng nhất là phát ban sẽ bắt đầu từ trên mặt và lan xuống dưới. Khi trẻ có biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời nhằm đề phòng các biến chứng nặng của bệnh sởi.
Tiêm ngừa vaccine là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi
“Để phòng tránh bệnh sởi thì cách tốt nhất hiện tại, hiệu quả nhất là tiêm chủng. Mình nên đi tiêm ngừa sởi sớm, khi mà có lịch tiêm chủng, khi mà con em mình tới đủ tuổi để tiêm chủng thì nên đi tiêm chủng.” – bác sĩ Kim Tuyến chia sẻ.
Ngoài tiêm vaccine sởi đầy đủ để phòng nhiễm bệnh, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý giữ vệ sinh đúng cách như rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh mắt, mũi, miệng và tắm hàng ngày cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả ép. Khẩu phần ăn của trẻ cần đầy đủ dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu đạm và vitamin A. Nơi ở cần thoáng mát, sạch sẽ.