Cụ thể: Thành phố ghi nhận 1.069 ca mắc tay chân miệng, tăng 106,6% so với trung bình 4 tuần trước (518 ca); trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 17,7% và 133,8%.
Số ca mắc tích lũy đến tuần 26 là 4.827 ca, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022 (8.042 ca). Trong tuần 26, ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ Quận 1 có số ca mắc không thay đổi.
Các quận huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm: Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Quận 8, quận Tân Phú, Quận 6.
Để phòng chống sự gia tăng ca bệnh tay chân miệng, các UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường hoạt động phòng chống tay chân miệng trên địa bàn bao gồm giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng; đặc biệt chú trọng phòng chống dịch trong trường học.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường giám sát những hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập và tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến cáo cộng đồng về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng của trẻ. Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.
2. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.
3. Khi trẻ mắc bệnh hãy để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày để theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ.