Thuỷ đậu có khả năng lây nhiễm nhanh chóng với tỷ lệ lên đến 80-90%. Những triệu chứng đầu tiên của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với cảm sốt thông thường, và chỉ khi các nốt ban xuất hiện, bệnh nhân mới tìm đến cơ sở y tế.
Một bệnh nhân chia sẻ: “Đầu tiên em bị sốt, sau đó em tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ hai em nổi nốt ban, sang ngày thứ ba thì em bắt đầu nổi ban khắp người. Đến ngày thứ tư em mới đến bệnh viện để điều trị.”
Khi mới khởi phát, bệnh thuỷ đậu có các triệu chứng như sốt, ho, đau nhức cơ thể, chán ăn. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, các nốt ban sẽ lan ra toàn thân và chuyển thành bóng nước. Người bệnh cần hạn chế ra ngoài trong một thời gian nhất định, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Để phòng ngừa, tiêm vaccine là giải pháp hiệu quả hiện nay, giúp giảm tỷ lệ biến chứng khi mắc phải bệnh.
Theo BS CKI Nguyễn Bùi Nhật Tuyên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa: “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vaccine từ Mỹ và Hàn Quốc. Những loại vaccine này giúp phòng ngừa bệnh thuỷ đậu và giảm tỷ lệ biến chứng nặng khi mắc bệnh. Trẻ em có thể tiêm từ 9 tháng tuổi trở đi, còn người lớn có thể tiêm bất kỳ khi nào. Mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vaccine để đạt hiệu quả phòng bệnh đầy đủ.”


Khi mắc thủy đậu, người bệnh cần cách ly tại nhà để tránh lây lan, bảo vệ mụn nước không bị vỡ để ngăn nhiễm trùng. Uống nhiều nước, ăn đủ chất, ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh thực phẩm cay nóng, chua mặn. Nghỉ ngơi đầy đủ, giảm stress, giữ phòng thoáng mát, sạch sẽ, và duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày.