Ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở vùng cổ trước, trước khí quản. Bao gồm 2 thùy hình cánh bướm và một eo kết nối chúng. Tuyến giáp hấp thu iot để tiết ra các hormone tuyến giáp tham gia vào trao đổi chất cơ bản của cơ thể, tác động tới nhịp tim, hoạt động của các cơ quan…
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp.
Thay đổi bình thường ở tuyến giáp trong quá trình mang thai
Chức năng chính của tuyến giáp là tổng hợp hormone, điều hòa hoạt động của cơ thể. Trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ có thay đổi rất lớn về nội tiết tố. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của tuyến giáp. Dưới đây là một số những thay đổi của tuyến giáp ở phụ nữ mang thai:
Trong quá trình mang thai, cơ thể của thai phụ sẽ sản sinh ra hai loại hormone đặc trưng là βhcg (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhcg sẽ khiến lượng hormone kích thích tuyến giáp TSH giảm nhẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Qua 3 tháng đầu, hàm lượng TSH sẽ trở lại mức bình thường. Hàm lượng estrogen tăng cũng sẽ tăng hormone tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên không làm tăng hormone tuyến giáp tự do, vì vậy hoạt động của tuyến giáp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra, khi mang thai, kích thước của tuyến giáp cũng thay đổi. Nhiều người nghĩ rằng đây là một dấu hiệu cảnh báo mắc các bệnh về tuyến giáp nhưng việc tăng kích thước tuyến giáp là hết sức bình thường. Tuyến giáp của phụ nữ mang thai có thể lớn hơn khoảng 5 – 10% là điều bình thường. Nếu tuyến giáp to hơn 10 – 15 % thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo 1 bất thường đang xảy ra tại tuyến giáp. Nếu kích thước tuyến giáp thay đổi quá lớn thai phụ cần gặp bác sĩ để được khám và xử trí kịp thời.
Tác động của chức năng tuyến giáp đến cuộc sống của mẹ và bé
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chức năng tuyến giáp của bé phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Kích thích tố tuyến giáp là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bình thường của não thai nhi, sự thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể gây rối loạn thần kinh nghiêm trọng, dẫn đến sự khuyết tật thần kinh của trẻ sau này. Sau thời gian đó, cơ thể thai nhi có thể tiết ra hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, bé vẫn phải phụ thuộc khá nhiều vào hàm lượng iot mẹ nạp vào cơ thể. Vì thế, phụ nữ mang thai cần bổ sung hàm lượng iot tương đối nhiều, khoảng 200 mcg/ ngày (theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới).
Ung thư tuyến giáp ở phụ nữ mang thai có nên mổ ngay?
Như chúng ta đã biết, tuyến giáp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với thai nhi. Vậy ung thư tuyến giáp ở thai phụ có bắt buộc phải phẫu thuật ngay? Đây là điều mà hầu hết thai phụ đều quan tâm. Bởi nếu mổ điều trị ung thư tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, thai lưu, dị tật thần kinh do hormone giáp không ổn định… Nhưng nếu không mổ thì ung thư sẽ tiến triển gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sau này.
Phần lớn ung thư tuyến giáp thể nhú (trên 90%) tiến triển rất chậm và có tiên lượng tốt. Bệnh Bệnh thường được phát hiện trong thời kỳ mang thai là do khám sức khỏe định kỳ. Khi đó u thường có kích thước nhỏ, chưa di căn hạch hay di căn xa. Do vậy, đa số trường hợp trì hoãn mổ cho tới khi sau khi sinh. Và đó là lựa chọn hợp lý.
Người bệnh chỉ nên mổ trong thời kỳ mang thai khi u kích thước lớn, phát triển nhanh; di căn hạch; di căn xa; thể bệnh ung thư tuyến giáp tiên lượng xấu, tiến triển nhanh. Đặc biệt, nếu bắt buộc phải mổ thời gian được chọn nên vào tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ để hạn chế tối đa nguy cơ sẩy thai, thai lưu, đẻ non….
Chính vì vậy, phụ nữ khi mang thai bị ung thư tuyến giáp nên đến bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm thăm khám định kỳ 1-2 tháng/lần để đánh giá kĩ sự tiến triển của ung thư tuyến giáp, từ đó có các hướng xử trí kịp thời nhất. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, người bệnh cần xét nghiệm hàm lượng hormone tuyến giáp và hormone kích thích tuyến giáp trước và trong giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai.