Cơn đột quỵ chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc thôi, nhưng có thể mãi mãi làm thay đổi cuộc đời của một con người. Điều đáng lo ngại hơn, đột quỵ giờ đây không chỉ là vấn đề của người cao tuổi, mà có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Thế là hàng loạt những câu hỏi sẽ được đặt ra: Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ? Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ? Nếu rơi vào tình huống khẩn cấp, đâu là cách xử lý đúng đắn để có thể cứu sống một mạng người? Quý vị cứ yên tâm! Tất tần tật những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong chương trình ngày hôm nay. Và tôi là Vũ Mạnh Cường. Thưa quý vị và hai vị khách mời trong chương trình ngày hôm nay của chúng ta, xin trân trọng giới thiệu
ThS. BS Phạm Phương Phi, Chuyên khoa Bác sĩ gia đình.
Chú Lê Trí Trỵ, đến từ Quận 1, TP.HCM.
Xin cảm ơn hai vị khách mời đã đến với chương trình ngày hôm nay. Ngày hôm nay có thể nói là một cuộc gặp gỡ rất là đúng đích. Tại vì có một người có nhu cầu tìm hiểu về đột quỵ, và có một người đã có những điều trị rất hiệu quả cho những ca đột quỵ. Đầu tiên thì xin bác sĩ Phương Phi chia sẻ là đột quỵ thực chất là như thế nào?
BS Phạm Phương Phi: Để chúng ta có thể hiểu một cách chân thực về đột quỵ là gì, thì chúng ta cần có một hiểu biết về cơ thể của mình, về bộ não, về mạch máu não trước. Hệ thần kinh là một hệ thống tinh vi bậc nhất của cơ thể. Nó bao gồm bộ não nằm ở vị trí trung tâm, kết nối, điều khiển, cũng như kiểm soát toàn bộ các bộ phận của cơ thể. Bộ não luôn đòi hỏi một nguồn cung cấp rất là cao và liên tục các dưỡng chất, oxy, được dẫn qua các hệ thống ống dẫn – gọi là mạch máu não. Nó được bơm từ trái tim lên. Để đảm bảo được sự hoạt động bình thường của cơ thể thì cần có một sự thông suốt, khỏe mạnh, nguyên vẹn của các động mạch não.
Đột quỵ là một biến cố rất nghiêm trọng của hệ thần kinh. Nó biểu hiện bằng tình trạng đột ngột xảy ra việc mất kiểm soát cơ thể, yếu liệt một phần cơ thể, bị rối loạn về cảm giác, rối loạn về ngôn ngữ và nhiều những chức năng quan trọng khác của cơ thể. Mà cái biểu hiện đó là do có một vùng não liên quan tương ứng với sự điều khiển các chức năng bị tổn thương, bị chết đi. Và lý do đó chính là có hiện tượng gián đoạn dòng máu, nuôi dưỡng, cung cấp máu cho vùng não đó.
Có 2 nhóm nguyên nhân lớn mà chúng ta thường gặp. Đó là hiện tượng tắc nghẽn lòng mạch máu, mà người ta gọi là nhồi máu não. Và một nguyên nhân ít gặp hơn đó là vỡ mạch máu não, người ta gọi cái tên đó là xuất huyết não.


Theo nghiên cứu mới nhất, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ mắc đột quỵ cao nhất thế giới. Vậy thì tại sao lại có điều này? Và cụ thể số đáng buồn đó là như thế nào?
BS Phạm Phương Phi:Theo những thống kê y học của Tổ chức Y tế Thế giới và những tổ chức y tế có uy tín, Việt Nam nằm trong những nhóm những quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Hàng năm, ước tính có khoảng 200.000 ca bị đột quỵ. Và trong đó có khoảng một nửa là bị tử vong, phần lớn còn lại là có những biến chứng, di chứng nặng.
Những lý do liên quan đến sự đặc thù về mô hình bệnh tật. Đại khái là những đặc điểm về các loại bệnh mạn tính ở nước ta, đặc biệt là các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, những tình trạng béo phì ngày càng tăng. Và những điều đó đến từ một số đặc điểm lối sống có nhiều yếu tố gây hại. Ví dụ như người Việt Nam mình thích ăn mặn, nhiều người uống rượu bia, rồi hút thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá rất cao. Ngoài ra nó còn có yếu tố là ý thức về việc chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân mình nó còn chưa cao. Cái kiến thức cũng như kỹ năng về xử trí hoặc là nhận biết một tình trạng đột quỵ nó còn rất là giới hạn. Đồng thời, hệ thống y tế của mình, sự phủ khắp, nhất là những đơn vị có thể tiếp nhận và sử trí đột quỵ nó còn chưa đủ hiệu quả. Và chung quy những yếu tố đó nó dẫn đến thực trạng tỷ lệ đáng lo ngại như vậy.
Như vậy là có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam chúng ta nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới. Và con được biết là khi mà chú Trỵ tham gia trong chương trình ngày hôm nay thì chú Trỵ cũng có tìm hiểu về đột quỵ rồi. Vậy thì con muốn chú Trỵ chia sẻ nhiều hơn là tỷ lệ mắc đột quỵ giữa nam và nữ có khác biệt hay không và liệu là nguyên nhân của sự khác biệt đó đến từ đâu?
Chú Lê Trí Trỵ:
Theo chú nghĩ, cả nam lẫn nữ đều có nguy cơ bị đột quỵ. Nhưng mà trong tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay thì chú đoán là nam giới có nguy cơ cao hơn. Đơn giản là vì đàn ông Việt Nam thường có những thói quen không được tốt. Ví dụ như thuốc lá, rượu bia, nhậu nhẹt rồi chế độ nghỉ ngơi cũng không đúng đắn nữa. Kèm theo đó, người đàn ông thường có chủ quan về sức khỏe. Trong khi người phụ nữ thường chăm lo bản thân mình tốt hơn nhiều.


Vậy thì bác Phi sẽ chia sẻ như thế nào, thẩm định như thế nào về ý kiến của chú Trỵ?
BS Phạm Phương Phi: Những chia sẻ của chú Trỵ hết sức xác đáng và nó phản ánh một thực tế mà theo thống kê của Việt Nam thì cho thấy tỷ lệ của người nam đột quỵ so với người nữ là gấp từ 1,5 cho đến 4 lần theo diễn biến theo thời gian. Và điều đó thật sự liên quan đến thói quen, cũng như những sinh hoạt đặc biệt của người nam giới. Thì đó là lý do mà nam giới có tỷ lệ cao đáng kể so với nữ giới trong vấn đề đột quỵ.
Hồi trước thì chúng ta chỉ nghĩ rằng đột quỵ dành cho người lớn tuổi thôi. Nhưng mà bây giờ ngay cả bạn bè của em, những người bạn thân còn đang rất trẻ mà cũng bị đột quỵ. Vậy thì tại sao lại có việc trẻ hóa trong tỷ lệ người mắc bệnh đột quỵ như vậy?
BS Phạm Phương Phi:
Trước đây chúng ta biết là độ tuổi cao có nghĩa là đủ thời gian để mới bộc lộ ra vấn đề các bệnh lý mạn tính ví dụ như cao huyết áp, tiểu đường. Nhưng với bối cảnh chung, những lối sống, những yếu tố dinh dưỡng kém lành mạnh, ít vận động, ngủ không đủ giấc, rồi nhiều áp lực trong công việc cũng như trong đời sống dẫn đến chuyện là nó xuất hiện sớm những căn bệnh mà thay vì nó chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, đủ độ tuổi. Ví dụ như cao huyết áp xuất hiện sớm, tiểu đường xuất hiện sớm trên nền là béo phì, thừa cân… Trong bối cảnh đó, kèm trên nền là người trẻ rất chủ quan, họ thiếu kiến thức, thiếu niềm tin và hành động chủ động bảo vệ sức khỏe, nằm trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều bệnh mạn tính. Nó là mấu chốt dẫn đến đột quỵ sớm ở người trẻ trong bối cảnh mà chúng ta thấy.
Như bác sĩ nói, vấn đề đột quỵ diễn ra cũng do người trẻ chủ quan. Trong cuộc trò chuyện hôm nay, ít nhất một người không chủ quan đó là chú Trỵ. Chú Trỵ rất quan tâm tới vấn đề đột quỵ. Mà con thấy chú nha, chú đang rất phong độ và bảo đảm nhìn kiểu chú như vầy thì con bảo đảm là chú cũng có lối sống lành mạnh luôn. Tại sao chú quan tâm tới vấn đề đột quỵ?
Chú Lê Trí Trỵ: Chú may mắn là trước đây có tham gia một cái phim tuyên truyền về bệnh đột quỵ. Chú đóng vai một ông bố bị đột quỵ. Vì hút thuốc, vì nhậu nhẹt, vô độ. Từ đó chú nhận thức là nếu bản thân mình mà bị đột quỵ, nó có nhiều cái ảnh hưởng lắm. Thứ nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ hai, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Và cái thứ ba nữa, có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ những cái giây phút quan trọng, những cái khoảnh khắc đầy ý nghĩa của những người thân chung quanh chúng ta.
Khi mà chúng ta nghĩ tới cái tên, là đột quỵ thôi, là con thấy cái gì đó ẩn chứa bất đắc kỳ tử rồi. Nhưng mà em vẫn tin rằng và hy vọng rằng là đột quỵ nó phải gửi một cái tín hiệu nào đó cho cơ thể chứ. Đúng không ạ? Để cho người ta còn biết, để người ta còn phòng ngừa chứ. Vậy thì những cái tín hiệu cụ thể đó là gì ạ?
BS Phạm Phương Phi: Thực ra đó, một cái tình trạng đột quỵ có thể nó được báo trước bởi nhiều cái dấu hiệu lạ, dấu hiệu đặc biệt. Thì cái đầu tiên hết, chính là cái hiện tượng, nó có những biểu hiện, đó là cơn thoáng thiếu máu não, hay còn gọi một cái tên khác nữa là cơn tiền đột quỵ. Hay gọi là đột quỵ mini. Thì đây cái biểu hiện đó, nó xảy ra những cái dấu chứng, những cái dấu hiệu nó giống hệt như đột quỵ nhưng mà cái dấu hiệu này nè, nó lại nhanh chóng biến mất trong vòng khoảng vài giờ hoặc là ít trong vòng một ngày. Thì cái dấu hiệu đó, người ta gọi là những dấu hiệu tiền đột quỵ. Đây là một cái dấu hiệu báo trước cực kỳ quan trọng, mà nó như một cái hồi chuông gọi là cứu mạng. Nếu chúng ta nhận thấy cái tình trạng này, thì chúng ta phải nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của hệ thống y tế, của các bác sĩ chuyên khoa, giúp chúng ta phải tầm soát cho ra và xử trí triệt để, là kịp thời.
Và ngoài những cái dấu hiệu đặc biệt đó, chúng ta có nhiều dấu hiệu khác. Ví dụ như một cái hiện tượng đau đầu rất là dữ dội hoặc có những tình huống là chúng ta đột ngột thấy có những cái cơn đau trong ngực, nặng trong ngực, đau trong ngực. Thì nếu mà mình thấy những dấu hiệu này, đặc biệt là nó xảy ra trên những người mà có những đặc điểm sức khỏe đặc biệt. Hoặc là những người có bệnh tim, đặc biệt là cái bệnh mà người ta gọi là rung nhĩ, bệnh rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ. Hoặc những người có tiền sử thiếu máu não hay là cơn tiền đột quỵ thì những dấu hiệu cảnh báo này càng có ý nghĩa hơn.
Tuy nhiên, cảnh báo đó là những dấu hiệu có thể báo trước nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra cho chúng ta một cơ hội để nhận biết sớm. Có khi nó đột ngột xảy ra giống như tên gọi của đột quỵ thì nó có 3 dấu hiệu chính quan trọng mà được viết tắt thành 1 quy tắc trong chữ FAST trong tiếng Anh.
Chữ F đó là “Face”, là biểu hiện trên gương mặt. Chúng ta sẽ nhìn thấy hiện tượng xệ môi, méo miệng. Cái thứ 2 đó là chữ A là chữ “Arm”, là cánh tay. Đây là 1 dấu hiệu thể hiện hiện tượng yếu liệt 1 bên cánh tay, có thể là chân, nhưng ở đây dùng chữ “Arm” là cánh tay. Và cái dấu hiệu thứ 3 đó là chữ S, S là speech, nói về ngôn ngữ. Người nạn nhân đột ngột nói đớ, nói không rõ chữ, nói không được ý của mình.
3 cái dấu hiệu đó đặc biệt là những dấu hiệu mà nó xảy ra 1 bên, đặc biệt quan trọng. 1 dấu hiệu thôi cũng đủ để chúng ta phải nghĩ đột quỵ. Nhưng càng nhiều dấu hiệu chừng nào, đặc biệt là 3 dấu hiệu cùng 1 lúc, thì khả năng đột ngụy có thể trên 90%. Và cái chữ cuối cùng là chữ T. Chữ T là chữ “Time”. Ý là nhấn mạnh yếu tố thời gian. Thời gian là não. Thời gian là cơ hội để cứu vãn cho cái não bộ của chúng ta.
Khi nghe nói từ đột quỵ và cứu sống người đột quỵ thì người ta lại liên tưởng ngay tới một cụm từ nữa đó là ngay lập tức. Vậy thì khoảng thời gian như thế nào là khoảng thời gian vàng, ngay lập tức đó sẽ mang đến hiệu quả điều trị cho người bị đột quỵ ra sao?
BS Phạm Phương Phi: Đây là một khoảng thời gian mà có ý nghĩa là tốt nhất cho việc xử trí và để có cơ hội phục hồi lại sức khỏe cho người bệnh bị đột quỵ một cách lý tưởng nhất. Và thời gian vàng này trong khoảng từ 3-4 tiếng rưỡi đồng hồ kể từ thời điểm chúng ta bắt đầu có những biểu hiện của đột quỵ. Tuy nhiên thời gian sẽ thay đổi tùy vào nhiều yếu tố nữa theo sự tiến bộ của hệ thống y tế của một đơn vị xử trí đột quỵ cụ thể nào đó, trình độ chuyên môn của đơn vị xử trí đột quỵ đó cũng như các thiết bị y tế cụ thể tại đơn vị đó. Chúng ta nói về 3 giờ cho đến 4 giờ rưỡi là con số tương ứng với nguyên nhân gọi là nhồi máu não, đó là tắt mạch não. Tuy nhiên đối với xuất huyết não, mặc dù với tỷ lệ nó thấp hơn, ít gặp hơn nhưng nó có tiên lượng, mức độ nặng nhiều hơn thì người ta thấy thời gian vàng là càng sớm càng tốt, chứ không phải giới hạn 3, 4 hay 4 giờ rưỡi.
Chú Lê Trí Trỵ: Bác sĩ Phi, như tôi bước vào tuổi 63, vào giai đoạn hưu trí rồi đó, thì bắt đầu lo lắng về sức khỏe. Thì tôi cũng tìm hiểu nhiều về chứng đột quỵ. Nhưng mà thật tình mà nói, nếu một ngày nào đó tôi có những dấu hiệu đột quỵ như vậy, thì tôi cũng không biết phải làm như thế nào. Vì lúc đó là tinh thần nó cũng không được minh mẫn, sáng suốt cho lắm. Hơn nữa cũng không có người thân bên cạnh để lo cho mình lúc đó. Thì trong những tình huống như vậy, một người lớn tuổi như tôi thì nên xử lý như thế nào? Để thứ nhất là gia tăng cơ hội sống sót trước đó. Thứ hai là giảm thiểu những di chấn do đột quỵ gây ra.
BS Phạm Phương Phi: Đây là một câu hỏi cũng rất thực tế. Chú cần lưu ý rằng, một cái người mà bị đột quỵ đó, thì cái khả năng tự giúp đỡ mình trong cái hoàn cảnh nó thực sự rất là hạn chế. Bởi vì người nạn nhân trong vòng vài phút có thể sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát cơ thể. Cho nên thực sự chúng ta lúc đó là trông cậy vào sự hỗ trợ của người chung quanh. Tuy nhiên, trong những giây phút mà chúng ta còn tỉnh táo, thì các chuyên gia cũng gợi ý cho mình những điều mà chúng ta có thể giúp đỡ cho mình. Điều này cũng cần sự chuẩn bị chủ động của chúng ta.
Rất là tuyệt vời là chú Trỵ có quan tâm trước về tình huống này. Cho nên chú cần để ý nhiều hơn, học thuộc hơn về những dấu hiệu của đột quỵ. Cái thứ hai nữa là chúng ta tập dượt tình huống. Chúng ta có thể tập dượt trước xử trí khi mình xảy ra đột quỵ, có thể mình dự toán trước cái gì. Chúng ta chuẩn bị trước và đặc biệt là chúng ta sẽ chuẩn bị trước một danh bạ cấp cứu khẩn cấp và những danh bạ người thân có thể hỗ trợ mình. Có thể có những phương tiện là một cái chuông để chúng ta có thể bấm một cái chuông để gọi những người thân ở đâu đó. Và chúng ta cần xác định nơi mà có khả năng xử trí đột quỵ ở gần nơi mình ở, địa phương mình ở. Đó là những điều mà mình có thể chuẩn bị trước.
Và trong cái tình huống mà chú nhận thấy những dấu hiệu mình nghi ngờ, mình bị đột quỵ, mình còn có thể hành động được, thì phải nhanh chóng gọi cấp cứu, gọi 115. Và chúng ta có thể bấm điện thoại nhưng mà mở cái loa ra. Chứ không cần phải cầm điện thoại. Và chúng ta phải nhanh chóng tìm cách, nếu mình ở trong phòng kín mình phải mở cái cửa ra liền. Và chúng ta sẽ cố gắng tìm một cái tư thế an toàn, chúng ta nằm xuống và tránh những hành động không cần thiết. Ví dụ như chúng ta tìm thuốc uống, hoặc là chúng ta tìm những yếu tố bỏ vào trong đường ăn của mình chẳng hạn. Thì cái đó là điều chúng ta nên tránh. Với những hành động đó, có sự chuẩn bị trước hoặc là những hành động trong một vài phút ngắn ngủi mình còn tỉnh táo, thì nếu mà chú có hành động kịp thời đó. Điều đó rất có ích cho sự sống sót và cứu chữa cho mình.
Khi nghe bác chia sẻ vậy thì em lại thấy bắt đầu hoang mang hơn xíu. Tại vì gặp một người bị đột quỵ là tay chân mình đã quýu rồi, bên cạnh đó thì mình phải làm sao để hỗ trợ cho người bị đột quỵ đó.
BS Phạm PhươngPhi: Một khi chúng ta đã hiểu rõ đột quỵ là cái gì, dựa trên những phần chia sẻ đầu tiên mà chúng ta đã thảo luận. Đối với một trường hợp mà chúng ta gặp là có nghi ngờ về đột quỵ, thì cái đầu tiên chúng ta cần nhớ cái chìa khóa đó chính là chúng ta phải hết sức bình tĩnh, giữ bình tĩnh là chìa khóa thứ nhất. Chìa khóa thứ hai là chúng ta cần có sự tập trung. Chúng ta tập trung vào người bệnh và những vấn đề cần hỗ trợ họ, đó là chìa khóa thứ hai.
Và chúng ta phải gọi giúp đỡ. Chúng ta thấy một người đột quỵ là chúng ta phải việc đầu tiên là cố gắng gọi sự giúp đỡ của nhiều người xung quanh. Cái thứ hai nữa là chúng ta nhanh chóng gọi cấp cứu – 115, hệ thống cấp cứu của hệ thống y tế Việt Nam. Tuy nhiên cũng có thể có những đơn vị cấp cứu chuyên nghiệp khác mà chúng ta biết, chúng ta cũng có thể gọi. Và đồng thời với hai cái việc đó, chúng ta cần phải tìm cách cho bệnh nhân ở một trạng thái an toàn về tư thế. Cho bệnh nhân nằm ở một tư thế tránh té ngã, nghiêng một bên, đầu hơi ngửa nhẹ và miệng mở nhẹ ra. Đây gọi là tư thế hồi phục. Và cần chú ý đặc biệt là giữ ấm cho cơ thể. Bởi vì trong hoàn cảnh tình huống sức khỏe đang gặp một biến cố rất lớn, thì giữ ấm cơ thể là một chuyện rất quan trọng. Đó là những việc cần làm tại chỗ.
Khi chúng ta đưa người bệnh đi cấp cứu, thì chúng ta cùng với hệ thống y tế phải định vị được nơi đến. Bởi vì thông thường người ta cứ nghĩ rằng hãy mà đột quỵ thì phải đến nơi y tế gần nhất. Thật sự gần nhất mới chỉ một yếu tố. Còn một yếu tố thứ hai quan trọng nữa, đó là phải đến nơi có khả năng tiếp nhận và xử trí đột quỵ. Đó là một nơi nằm trong một hệ thống của toàn quốc, được sự hình thành của Bộ Y tế của mình. Và nơi đó có đủ chuyên môn, đủ phương tiện, nhiều mức độ khác nhau để tiếp nhận và xử trí đột quỵ.
Chú Lê Trí Trỵ: Bác sĩ vui lòng có thể giải đáp cho tôi một thắc mắc như thế này, là có những nhận thức, những hiểu biết sai lầm, gây ra những hậu quả không tốt mà mọi người thường mắc phải về chứng bệnh đột quỵ. Bác sĩ có thể nói rõ thêm vấn đề này.
BS Phạm Phương Phi: Cảm ơn câu hỏi của chú Trỵ. Đây là một câu hỏi rất hay và hữu ích cho mọi người. Mặc dù đột quỵ là một biến cố rất nguy hiểm, ai cũng sợ đột quỵ. Tuy nhiên, hiểu biết về đột quỵ là một điều có giới hạn. Và đặc biệt là những hiểu biết chưa đầy đủ, nó dẫn đến nhiều ngộ nhận.
Người ta nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng thực tế chúng ta đang nhìn thấy có ngày càng nhiều người trẻ đột quỵ. Và nó liên quan tới lối sống, cách mà chúng ta chủ động bảo vệ sức khỏe. Một niềm tin sai nữa là người ta nghĩ người nào thường thừa cân, béo phì thì mới dễ bị đột quỵ. Còn người gầy, ốm thường không có bị đột quỵ. Nhưng chúng ta thấy thực tế không phải như vậy. Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu để có thể gây ra đột quỵ. Và cao huyết áp không chỉ xảy ra ở người béo phì hay là thừa cân, nó có thể xảy ra ở những thể trạng khác. Đặc biệt là những người có thói quen thức khuya, hút thuốc lá nhiều, rồi chế độ ăn, dinh dưỡng nhiều những loại dầu béo mà nó có hại cho cơ thể, ít rau củ quả.
Hoặc là người ta nghĩ rằng đột quỵ là một bệnh không thể phòng ngừa được. Đây là một nhận thức rất nguy hiểm và rất bi quan. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, đột quỵ là một biến cố hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nếu chúng ta hiểu nó là gì, chúng ta có hiểu biết về cơ thể mình, chúng ta biết cách nhận biết sớm, chúng ta biết cách hành động tức thời, kịp thời, thì hoàn toàn chúng ta có thể phòng ngừa được đột quỵ ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Và một nhận thức sai lầm nữa là người ta nghĩ rằng đột quỵ là một biến cố, một khi đã xảy ra thì nó không có lặp lại, nó chỉ xảy ra có một lần thôi. Đó là một điều sai lầm. Bởi vì đột quỵ có thể, dù là nguyên nhân gì, nó có thể xảy ra lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí n lần. Nếu chúng ta, người nạn nhân đó, chưa đủ nhận thức để thay đổi lối sống, tuân thủ điều trị nghiêm túc cũng như chủ quan trong vấn đề phòng tránh nguy cơ tái pháp. Và mỗi lần đột quỵ xảy ra, thêm một lần nữa thì mức độ nặng sẽ nhiều hơn rất nhiều. Và đó là một điều rất là nguy hiểm.
Và một sai lầm nữa, người ta nghĩ rằng một người đột quỵ thì tương lai rất là tâm tối, là không có khả năng phục hồi. Điều này cũng là một nhận thức sai lầm. Bởi vì như chúng ta biết, chúng ta hiểu đúng, chúng ta tận dụng được thời gian vàng, chúng ta có một nơi tiếp nhận, xử trí đột quỵ chuyên nghiệp, hoàn toàn trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta hoàn toàn có thể giải phóng được, giải quyết được nguyên nhân nằm trong bộ não của chúng ta, để có thể cứu được phần lớn bộ não còn lại, cũng như là đảm bảo được sự phục hồi sớm, cũng như giảm thiểu các nguy cơ di chứng và biến chứng. Đó là những ngộ nhận mà chúng ta cần hiểu, để chúng ta có những niềm tin mới, những hành động mới đối phó với đột quỵ.
Để có những lời khuyên về đột quỵ đối với cộng đồng, thì chúng ta thấy rõ ràng đột quỵ là một biến cố hệ quả của nhiều bệnh lý mạn tính. Và những bệnh lý mạn tính này là những bệnh lý mà chúng ta đã biết và đã có giải pháp. Như vậy thì quan trọng nhất vẫn là phòng tránh đột quỵ. Như vậy thì chúng ta cần phải có hành động, tìm kiếm một lối sống an toàn, một lối sống lành mạnh, một chế độ sinh hoạt phù hợp để làm sao chúng ta phòng ngừa được các bệnh lý nền, tiểu đường, quy áp cao, thừa cân, béo phì. Và chúng ta cần phải có ý thức tầm soát, tìm kiếm các giải pháp để phát hiện bệnh sớm. Và cuối cùng, đặc biệt là một khi chúng ta phát hiện có những bệnh lý mạn tính, chúng ta cần phải chọn lựa, tìm hiểu những giải pháp hướng về góc rễ, nguyên nhân để có thể giúp chúng ta ổn định được các bệnh lý mạn tính. Và đó chính là mấu chốt tốt nhất để chúng ta phòng tránh đột quỵ.
đột
Cảm ơn như chia sẻ của bác Phi và tình cảm của Chú Trỵ đã gửi đến cho chương trình ngày hôm nay, còn bây giờ thì xin mời quý vị sẽ cùng tiếp tục chương trình với Doctor Cuối tuần.
Đến đây Vũ Mạnh Cường xin được nói lời cảm ơn tới toàn thể quý vị đã luôn quan tâm và ủng hộ cho AloDoctor. Hẹn gặp lại quý vị ở những chương trình phát sóng tiếp theo của AloDoctor.