Tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, hàng ngàn hồ sơ bệnh án giấy đang được lưu trữ tại các kho nếu không có bệnh án điện tử, bệnh viện sẽ phải đối mặt với bài toán nan giải về không gian lưu trữ ngày càng phình to, kéo theo đó là gánh nặng về thời gian, chi phí kiểm tra, đối chiếu và bảo quản.
Bác sĩ Trần Nguyễn Ái Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức, chia sẻ: “Khi chuyển sang bệnh án điện tử, lượng hồ sơ giấy đã giảm đáng kể do bác sĩ chủ yếu thao tác trên máy. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường an toàn cho bệnh nhân, bởi bác sĩ có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ tiền sử bệnh tật, các tác dụng phụ và tiền căn dị ứng của bệnh nhân trước đó.”
Tuy nhiên, theo thống kê hiện tại, TP.HCM mới chỉ có 8 trên tổng số 32 bệnh viện tuyến thành phố và 3 trên 66 bệnh viện tư nhân đã triển khai bệnh án điện tử.
Để đạt được mục tiêu 100%, các bệnh viện còn lại đang được yêu cầu tăng tốc. Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh tiến độ này, cần có sự thay đổi trong tư duy về bệnh án điện tử.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Cao Phương Duy – Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta quen với tư duy làm việc trên bệnh án giấy, có thể trì hoãn một số công việc. Tuy nhiên, với bệnh án điện tử, mọi thao tác phải diễn ra theo thời gian thực, đòi hỏi sự thay đổi trong quy trình làm việc.”
Bên cạnh việc đẩy nhanh triển khai, các bệnh viện cũng kiến nghị cần có quy chuẩn chung cho việc liên thông dữ liệu giữa các hệ thống bệnh án điện tử và hành lang pháp lý rõ ràng cho bệnh án điện tử.
Bác sĩ Trần Nguyễn Ái Thanh cho biết: “Sự thiếu thống nhất về thể thức và mô hình giữa các hệ thống bệnh án điện tử của các bệnh viện khác nhau đang gây khó khăn cho việc liên thông dữ liệu.”
Khi bệnh án điện tử được triển khai đồng bộ và liên thông trên toàn thành phố, người bệnh sẽ không còn phải mang theo nhiều giấy tờ mỗi khi đi khám chữa bệnh. Các bác sĩ cũng dễ dàng tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, giúp đưa ra quyết định điều trị nhanh chóng và chính xác hơn.
Việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giúp các bệnh viện giải quyết bài toán về lưu trữ hồ sơ, tối ưu hóa quy trình làm việc và giảm thiểu chi phí vận hành. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế TP.HCM, hướng tới một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và lấy người bệnh làm trung tâm.